8 tỉnh thành chống dịch quá "gắt": Bộ GTVT ra "tối hậu thư" đề nghị bãi bỏ

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị các địa phương bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp; báo cáo kết quả rà soát bằng văn bản về Bộ GTVT trước 15h ngày 28/8 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Ngày 26/8, Bộ GTVT phát công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương đã ban hành còn có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt.

8 tỉnh thành chống dịch quá gắt: Bộ GTVT ra tối hậu thư đề nghị bãi bỏ - 1

Quy định quá "gắt" trong phòng chống dịch của một số địa phương gây khó khăn trong lưu thông, vận tải hàng hóa trên quốc lộ (Ảnh minh họa: Quân Đỗ). 

Công điện của Bộ GTVT nêu rõ, ngày 26/8, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp với Thành ủy, UBND TPHCM và các Bộ, ngành liên quan. Tại cuộc họp, UBND TPHCM đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các tỉnh, thành phố thống nhất việc lưu thông hàng hóa.

Cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia cũng nêu lên thực trạng một số tỉnh, thành phố vẫn còn hiện tượng yêu cầu thay thế lái xe của địa phương; quy định giá trị hiệu lực của giấy xét nghiệm SARS-COV-2 là 24 giờ hoặc 48 giờ, ngắn hơn thời gian so với hướng dẫn của Bộ Y tế là 72 giờ (kể từ khi có kết quả xét nghiệm); giấy xét nghiệm SARS-COV-2 còn giá trị nhưng vẫn yêu cầu lái xe xét nghiệm lại; phải đăng ký phương tiện vận chuyển hàng hóa với Sở Công Thương trước khi vào địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo tại Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương làm việc với các địa phương để thống nhất trong triển khai thực hiện bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi trong thời gian tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, triển khai thực hiện hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19" được Bộ GTVT ban hành ngày 24/8.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát các văn bản do địa phương đã ban hành chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021, văn bản số 1015/TTg-CN ngày 25/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19, văn bản số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19.

"Chủ động bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp; báo cáo kết quả rà soát bằng văn bản về Bộ GTVT trước 15h ngày 28/8 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ" - công điện nhấn mạnh thời hạn kết thúc rà soát.

Theo Bộ GTVT, do đây là vấn đề cấp bách và tác động trực tiếp đến việc vận chuyển hàng hóa trong thời gian tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt tại TPHCM và các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm khẩn trương chỉ đạo thực hiện.

Trước đó, Bộ GTVT ghi nhận báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT, ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương về việc xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông đường bộ tại một số chốt kiểm soát dịch trên địa bàn một số tỉnh, thành phố gây ùn ứ, vướng mắc đối với vận chuyển, lưu thông hàng hóa hoặc gây khó khăn cho lái xe, doanh nghiệp.

Có 8 tỉnh, thành phố ban hành các quy định gây ảnh hưởng đến lưu thông vận chuyển hàng hóa trên quốc lộ, gồm: TP Cần Thơ, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang và Bạc Liêu.

Nguyên nhân là do các địa phương có quy định còn chưa thống nhất trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương.

Châu Như Quỳnh

Theo dantri.com.vn
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top