Ảnh minh họa |
Tăng nguy cơ béo phì
Béo phì là một căn bệnh thường gặp ở những người ăn quá nhiều, đặc biệt là ăn những chất nhiều tinh bột, đạm, chất béo… khó tiêu hóa. Dần dần, lượng chất dư thừa này sẽ tích tụ thành lớp mỡ dưới da gây bệnh béo phì.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng những người mắc bệnh béo phì thường có nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm khác như cao huyết áp, tiểu đường… Nguy hiểm nhất là bệnh về động mạch vành ở tim.
Dạ dày bị ảnh hưởng xấu
Dạ dày là nơi đầu tiên chịu hậu quả từ việc ăn quá no của bạn. Mỗi ngày, dạ dày phải tiết khoảng 8000 mg dịch để tiêu hóa thức ăn. Nếu ăn quá no khiến cho dạ dày bị căng phồng, hoạt động co bóp bị quá tải…
Không những vậy, lượng thức ăn dư thừa có thể trở thành độc tố và gây ảnh hưởng tới dạ dày, thành ruột non, giảm chức năng ruột… Thêm vào đó, ăn quá no làm cho hệ tiêu hóa phải hoạt động quá mức, dễ gặp phải các bệnh như đau dạ dày, khó tiêu…
Tăng nguy cơ loãng xương
Theo một số nhà nghiên cứu đến từ Nhật Bản, tỉ lệ người thường xuyên ăn no bị loãng xương là rất cao. Do ăn quá no khiến cơ thể giải phóng ra một lượng lớn hormon thyroid của tuyến giáp, làm xương bị thiếu canxi nghiêm trọng.
Từ đó các chất trong xương bị thất thoát nhanh, dẫn tới nguy cơ mắc chứng loãng xương càng cao. Ngoài ra, ăn quá no cũng làm cho gốc oxy tự do được tổng hợp càng nhiều, khiến tế bào dễ bị tổn thương, cũng như quá trình lão hóa đến sớm và rút ngắn tuổi thọ.
Dễ bị viêm thực quản
Trước khi chìm vào giấc ngủ thì dạ dày vẫn đang hoạt động tích cực làm cho phía trên co thắt đẩy lượng dịch dạ dày có tính axit ngược về thực quản. Đây chính là nguyên nhân vì sao khi ngủ bạn lại bị ợ hơi, nóng cổ họng.
Hiện tượng này có thể khiến bạn tỉnh giấc giữa đêm vì những cơn ho. Nếu quá trình này kéo dài sẽ gây viêm thực quản.
Góp phần làm tăng nguy cơ ung thư các bộ phận ở đường tiêu hóa
Ăn no đến mức tự cảm thấy khó chịu, làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, gây bất lợi cho hệ vi sinh đường ruột. Theo thời gian, nó sẽ góp phần làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày và ung thư ruột.
Bệnh động mạch vành
Ăn quá no, quá nhiều dầu mỡ, lượng cholesterol tăng cao, dần dần tích tụ và xơ cứng trên thành động mạch. Về sau sẽ phát triển thành bệnh động mạch vành rất nguy hiểm.
Cơ thể nóng hơn khi ăn quá no
Khi ăn quá nhiều hoạt động trao đổi cơ thể sẽ được thúc đẩy, tăng cường với tốc độ nhanh. Chúng làm tăng nhịp tim, tiết nhiều mồ hôi nhiều và khiến cho cơ thể cảm thấy nóng hơn.
Nhưng sau khi quá trình trao đổi chất hoàn thành, mọi hoạt động sẽ trở lại bình thường. Nếu muốn cơ thể dễ chịu và thoải mái hơn thì có thể tắm với nước mát để hạ nhiệt.
Cảm thấy lo lắng, cáu kỉnh và không thể tập trung
Cảm thấy lo lắng, khó chịu hoặc giảm khả năng tập trung sau mỗi bữa xa hoa là các dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang làm việc cật lực để xử lý lượng thức ăn được nạp vào.
Khi ăn quá no, cơ thể giải phóng hormone insulin. Hormone này dự trữ lượng đường dư thừa để dự phòng cho những lúc mức đường huyết xuống thấp (khi bạn bị đói giữa các bữa ăn, khi tập thể dục).
Việc giải phóng thêm nhiều insulin để tích lũy thêm lượng đường dự phòng nêu trên là cơ chế tự nhiên của cơ thể, nhưng điều này cũng khiến lượng đường trong máu sụt giảm, gây ra những cảm giác khó chịu không mong muốn.
Một số lưu ý về ăn uống để tránh gặp phải các tác hại trên:
Lựa chọn các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo như rau, nấm, trái cây…
Tập trung vào ăn uống, tránh vừa ăn vừa làm việc khác.
Ăn chậm, nhai kỹ: điều này vừa giúp bạn thưởng thức bữa ăn, vừa cho não bộ đủ thời gian để biết cơ thể đang no và phát ra "tín hiệu" ngừng ăn.
Ba bữa chính nên được sắp xếp trong thời gian hợp lý: bữa sáng: 6:30 đến 8:30; bữa trưa 11:30 đến 13:30; bữa tối: 18:00 đến 19:00.