7 ngày quyết định của TP.HCM để chặn đứng dịch bệnh

Lãnh đạo TP.HCM nhận định thời gian qua TP thực hiện chưa nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Thành phố nhận định 7 ngày tới là thời gian quan trọng để chặn đứng dịch bệnh.
dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 1

7 ngày. Đó là khoảng thời gian được lãnh đạo TP.HCM đánh giá là giai đoạn quan trọng để chặn đứng dịch bệnh.

Ngày giãn cách thứ 20, TP.HCM một lần nữa phải thay đổi phương án phòng chống dịch để tháo gỡ tình hình dịch bệnh đang ngày càng căng thẳng. Chỉ mới 4 ngày trước đó, TP.HCM đã quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM trưa 19/6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, và Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đều thống nhất quan điểm phải nâng mức độ giãn cách xã hội.

Thế nhưng, phải đến 21h tối 19/6, Ban chỉ đạo mới có thể thống nhất phương án nâng mức phòng chống dịch. Chủ tịch UBND TP.HCM chính thức đặt bút ký Chỉ thị số 10 của TP.HCM về siết chặt biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Số ca nhiễm dự báo còn tăng

"Quyết tâm sau một tuần tới, thành phố có thể khống chế được dịch bệnh. Chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để duy trì lợi ích lâu dài", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thể hiện sự kiên quyết tại cuộc họp trưa 19/6.

Ông nhấn mạnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh và nhận định yêu cầu cấp thiết hiện nay là triển khai biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 2

Ba ngày liên tiếp trước đó, TP.HCM liên tục tự xô đổ kỷ lục về số ca nhiễm nCoV trong ngày, từ 99 ca (16/6) tăng lên 137 ca (17/6) và tiếp tục lên tới 149 ca (18/6).

Ngày 17/6, quận Bình Tân ghi nhận 193 ca dương tính ở 9/10 phường. Như vậy, số ca nhiễm tại quận Bình Tân đã vượt quận Gò Vấp (147 ca tính đến 17/5), trở thành nơi nhiều ca mắc Covid-19 nhất trong số 22 địa phương tại TP.HCM.

Chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để duy trì lợi ích lâu dài

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

Bí thư Nên khẳng định biện pháp căn cơ nhất là vaccine nhưng để vaccine hoạt động hiệu quả cần có thời gian. Do đó, Bí thư nhấn mạnh giải pháp trước mắt vẫn là tăng cường truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để và tầm soát diện rộng.

Đồng thời, ông cho rằng cần có biện pháp kiểm soát và giảm bớt dòng người đến TP.HCM. Nâng cao mức giãn cách xã hội tại TP, đối với những địa điểm, khu vực có thể đảm bảo an toàn với dịch bệnh thì thực hiện biện pháp nới lỏng hơn. Riêng hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa chỉ hạn chế khi thật sự cần thiết, tránh việc đình trệ.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 3

Nhiều cơ sở y tế tại TP.HCM phải ngừng hoạt động do ghi nhận ca nhiễm nCoV. Ảnh: Chí Hùng.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng diễn biến dịch tại TP.HCM đang rất phức tạp, khó lường.

"Số người nhiễm bệnh tăng cao, tăng nhanh và dự báo khả năng con số người nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới", ông nói.

Suốt 5 ngày kể từ khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội đợt hai, ca dương tính liên tục xuất hiện ở khắp nơi, trong những hoàn cảnh không ngờ nhất.

Hai mẹ con gặp tai nạn giao thông, vào bệnh viện thì phát hiện nhiễm nCoV. Một tài xế Grab vô tình đi xét nghiệm cũng phát hiện dương tính.

Một nhân viên y tế của quận Bình Tân và ba nhân viên Trạm Y tế phường An Lạc (quận Bình Tân) trở thành F0 chưa rõ nguyên do. Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng ghi nhận một điều dưỡng khoa Thần kinh cùng chồng nhiễm nCoV.

Ít nhất 6 nhà máy với gần 3.000 công nhân thuộc các khu công nghiệp tại quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi ghi nhận ca Covid-19, phải phong tỏa. 26 công nhân tại Khu công nghiệp Tân Tạo mắc Covid-19, đánh dấu giai đoạn dịch lây lan trong khu công nghiệp.

Tình hình dịch diễn biến phức tạp đòi hỏi TP.HCM phải có một giải pháp chống dịch mới.

Tuần tới là thời gian chặn đứng dịch bệnh

4 giờ. Đó là thời gian mà nhiều phóng viên chờ đợi tại Trung tâm Báo chí TP.HCM để tham dự cuộc họp báo khẩn của UBND TP chiều 19/6. Cuộc họp phải liên tục lùi giờ để chờ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM bàn phương án nâng các biện pháp phòng chống dịch. Khi đó, câu hỏi mà người dân TP.HCM quan tâm nhất là: TP.HCM có chuyển sang áp dụng Chỉ thị 16 hay không?

Mở đầu cuộc họp với báo chí tối 19/6, Phó chủ tịch UBND Dương Anh Đức chia sẻ "chỉ có thể dành cho báo chí 30 phút". Ông phải dự cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho kế hoạch tiêm chủng 836.000 liều mà TP.HCM vừa được Bộ Y tế cấp.

Nói về một tuần phòng, chống dịch vừa qua, Phó chủ tịch Dương Anh Đức thừa nhận "chưa thật sự hiệu quả" và "chưa được nghiêm ngặt".

Để tăng biện pháp phòng, chống dịch, TP.HCM đã ban hành quyết định phong tỏa khu phố 2,3,4 phường An Lạc Bình Tân và ấp Tân Thới 1, 2 và Thới Tây 1, huyện Hóc Môn, trong vòng 2 tuần kể từ 0h ngày 20/6.

Trường hợp nào cần xử lý thì thành phố sẽ xử lý nghiêm

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết, thành phố sẽ thực hiện những biện pháp phòng chống dịch cụ thể theo từng thời điểm, về cơ bản sẽ dựa trên quy định của Bộ Y tế và đánh giá về nguy cơ của mỗi địa phương.

"Hoàn cảnh hiện tại so với thời điểm Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 được ban hành trước đó là khác nhau, vậy nên thành phố đưa ra các quy định phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của thành phố", ông lý giải.

Trước tình hình đó, Chỉ thị số 10 - một chỉ thị riêng của TP.HCM được ban hành với các biện pháp siết chặt hơn so với Chỉ thị 15 mà thành phố áp dụng trước đó.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 4

Chỉ thị 10 của TP.HCM yêu cầu không tụ tập quá 3 người nơi công cộng, giữ khoảng cách 1,5 m. Ảnh: Phạm Ngôn.

Phó chủ tịch Dương Anh Đức chia sẻ trong thời gian chống dịch cần phải xốc lại tinh thần làm việc. Ông kêu gọi người dân hợp tác, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của thành phố để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

"Sau đó, chúng ta sẽ ngồi lại với nhau nghiêm túc rút kinh nghiệm, trường hợp nào cần xử lý thì thành phố sẽ xử lý nghiêm. Tuần tới là thời gian được Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 đánh giá rất quan trọng để chặn đứng dịch bệnh. Vì vậy, đơn vị, cá nhân nào mà không nghiêm túc thực hiện thì sẽ bị xử lý ngay lập tức", ông Đức khẳng định.

Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho rằng về mặt tổng thể, thời gian qua, việc thực hiện các chỉ đạo của UBND TP.HCM chưa được thực hiện nghiêm.

"Sắp tới, việc này phải được siết chặt kỷ cương hơn nữa. Chủ tịch UBND TP.HCM đã giao trách nhiệm cho thủ trưởng các sở ngành và địa phương, nếu xảy ra sự cố, sai sót thì phải chịu trách nhiệm trực tiếp", ông Đức cho hay.

6 điểm trong Chỉ thị 10 vừa ban hành của TP.HCM

Thứ nhất là tạm dừng các hoạt động không cần thiết, dừng taxi, giải tán chợ tự phát.

Thứ hai là không tụ tập trên 3 người ở nơi công cộng. Khoảng cách giữa người với người tối thiểu 1,5 m.

Thứ ba là yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết.

Thứ tư là cơ sở sản xuất hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo khoảng cách 1,5 m, đeo khẩu trang; có văn bản cam kết tuân thủ phòng chống dịch.

Thứ năm, cơ quan Nhà nước đảm bảo giãn cách khi làm việc. Doanh nghiệp chỉ đến công sở khi thực sự cần thiết.

Thứ sáu, dừng các hội họp không cần thiết, chỉ tổ chức cuộc họp thực sự quan trọng và được chính quyền địa phương cho phép.

TP.HCM trong đợt dịch Covid-19 lớn nhất từ trước tới nay TP.HCM đang đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 phức tạp nhất từ trước đến nay, với hơn 1.300 ca nhiễm ở 22/22 quận, huyện, thành phố.
 
Theo zingnews.vn
Xước da bệnh nhân 52 tuổi nguy kịch vì uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Cứu bệnh nhân 52 tuổi bị uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Người dân không nên chủ quan với bệnh uốn ván, khi gặp các vết thương cần phải chủ động tiêm ngừa. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh những diễn biến nguy hiểm.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top