61.500 tỷ đồng hỗ trợ 20 triệu người bị ảnh hưởng dịch Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Nhận định tác động của dịch Covid-19 khiến người nghèo, công nhân thất nghiệp và một số đối tượng khác không có tích lũy gặp rất nhiều khó khăn, Chính phủ đã quyết định thông qua gói hỗ trợ an sinh xã hội để các đối tượng yếu thế bảo đảm đời sống ở mức cơ bản tối thiểu.

6 đối tượng được hỗ trợ

Chiều ngày 1/4, Thường trực Chính phủ đã thông qua Nghị quyết về gói hỗ trợ an sinh xã hội cho các hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người có công, người lao động có hợp đồng lao động với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn nhất phải dừng kinh doanh, người lao động tự do, không có việc làm… do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đây là các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19. Các đối tượng này sẽ được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền. 

Cụ thể, người có công với Cách mạng, ngoài khoản trợ cấp hằng tháng còn được hỗ trợ 500.000đ/người/tháng. Đối tượng bảo trợ xã hội bao gồm các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo có trong danh sách thống kê sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng.

Người lao động bị tạm hoãn lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng. Lao động tự do không có việc làm, mất việc được hỗ trợ mức 1 triệu đồng/người/tháng.

Hộ kinh doanh cá thể phải tạm ngừng kinh doanh được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Trước mắt hỗ trợ 3 tháng (tháng 4, 5, 6).

Ngoài ra, doanh nghiệp được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% với mức vay tối đa 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng để trả lương cho người lao động. Thời hạn vay không quá 12 tháng.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 31/3 về chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tác động của dịch là rất lớn, không chỉ đối với sản xuất kinh doanh, thu ngân sách mà cả với đời sống của người dân, nhất là người nghèo, công nhân thất nghiệp và một số đối tượng khác không có tích lũy gặp rất nhiều khó khăn.

Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, có tiêu chí hỗ trợ cụ thể theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ một bộ phận thực sự khó khăn, bị mất việc, không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng. Bảo đảm nguyên tắc cả người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn, trong đó Chính phủ hỗ trợ một phần với mức phù hợp trong khả năng, nguồn lực. Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Cân đối nguồn chi ngân sách

Đánh giá về gói an sinh xã hội này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, gói an sinh thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với người dân.

Mục tiêu bao quát nhất của gói hỗ trợ này là hỗ trợ những người lao động bị ảnh hưởng, giảm sâu về thu nhập. Để giám sát gói an sinh này được triển khai đến đúng đối tượng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, người đứng đầu địa phương phải có trách nhiệm xác nhận các đối tượng được hưởng chính sách, tránh hỗ trợ dàn trải, không thích hợp.

Quan trọng nhất là cần công khai, minh bạch các mức hỗ trợ cho người dân, để các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể giám sát việc hỗ trợ và phải có chế tài xử lý nghiêm minh tất cả những người hợp vi phạm, trục lợi.

Nguồn tiền hỗ trợ sẽ được lấy từ tăng thu, ngân sách của Trung ương và địa phương trong năm 2019 cũng như từ nguồn tiết kiệm không đi công tác nước ngoài của các địa phương và tiết kiệm trong đầu tư.

Cụ thể, địa phương có nguồn thu cân ngân sách chuyển về Trung ương trên 50% thì phải chủ động cân đối. Các tỉnh miền núi, Tây Nguyên ngân sách hỗ trợ 70%. Dự kiến chi ngân sách khoảng 61.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho 20 triệu đối tượng.

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương dưới 50%: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 30% phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại thì ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Trường hợp các địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ lớn, nếu phần ngân sách địa phương bảo đảm vượt quá nguồn lực của địa phương gồm: 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương thì ngân sách Trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện.

Quyết định nêu rõ, Bộ Tài chính căn cứ quy định tại Quyết định này và số thực chi từ NSNN hỗ trợ phòng, chống dịch gây ra do UBND cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo, xem xét, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho từng địa phương và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Trường hợp dịch bệnh xảy ra ở phạm vi lớn, ngân sách địa phương không đủ nguồn lực để thực hiện phòng, chống dịch, căn cứ đề nghị của UBND cấp tỉnh, Bộ Tài chính thực hiện bổ sung một phần kinh phí cho địa phương để thực hiện (tối đa 70% mức ngân sách Trung ương hỗ trợ).

Theo Đời sống
back to top