500 năm làng gốm Thanh Hà

Gốm Thanh Hà (Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam) có tuổi đời trên dưới 500 năm. Tới nay, gốm Thanh Hà vẫn giữ được nét độc đáo của riêng mình. Gốm nơi đây không tráng men và nung bằng lò củi truyền thống.

Ngay bên sông lớn, dưới những gốc đa trăm tuổi có con đường nhỏ dẫn vào làng Thanh Hà, ngôi làng nhỏ chuyên nghề gốm đất nung ở sát phố cổ Hội An. Ngày trước chúng tôi hay thuê thuyền đi Thanh Hà, dọc đường kêu chị chủ đò mát tính ghé làm tô mì Quảng Phú Chiêm với ớt xanh ngon nức tiếng rồi mới xuống đò ngược tiếp vào làng Thanh Hà. Bao nhiêu chuyến đi như vậy, không có mục đích gì cụ thể, chỉ là vì nhớ mùi khói khi người ta dỡ lò.

gốm Thanh Hà

Gốm Thanh Hà có tuổi đời khoảng 500 năm.

Nhớ lúc cả làng tụ họp, chờ đến phiên lấy gốm của nhà mình. Vì đốt lò nung gốm gây ô nhiễm môi trường, nên người Thanh Hà những năm 1990 phải chung nhau làm một lò gas, và có lịch nung chung cho các hộ làm gốm. Đôi khi đến Thanh Hà vì muốn ngắm ngôi nhà ba gian trước bến thuyền vào làng của nghệ nhân Nguyễn Thị Được, vì nhớ đôi tay nhăn nheo nhưng mạnh mẽ của bà – người đã làm gốm đến 70 năm để nuôi gia đình đông con.

Bà Được sinh ra trong gia đình có cha mẹ là thợ gốm khéo tay của làng, tộc Nguyễn Văn của bà cũng có nhiều thợ giỏi được nhà Nguyễn tuyển vào làm ở Tượng cục Long Thọ, Huế. Trong môi trường ấy, bà Được đã nhanh chóng học được kỹ thuật chuốt gốm, đến 15 tuổi đã là thợ chuốt gốm. Một đời làm gốm, bà Được luôn bám nghề, kể cả trong lúc khó khăn nhất như khi làng gốm phải tản cư trong những năm 1947 – 1954, hay lúc thị trường gốm, sành bế tắc trong những năm đầu thập kỷ 1990 – khi cả làng chỉ còn bảy bàn xoay hoạt động trong cảnh tiêu điều.

Bà Được là người lưu giữ kỹ thuật nung sành và cách nhận biết trạng thái gốm, sành trong khi nung theo kinh nghiệm dân gian từ bao đời truyền lại. Những năm ngoài 80 tuổi, bà Được vẫn ngồi làm gốm cho du khách xem và chỉ họ cách sử dụng bàn xoay, làm những đồ gốm đơn giản. Dần dần khách du lịch tìm đến, nhưng một thời gian dài làng gốm vẫn loay hoay tìm đường đi.

Luồng gió mới thổi vào làng xưa

Cách nay chừng 10 năm, thành phố Hội An đã mời một số họa sĩ như họa sĩ Từ Duy đến hướng dẫn dân làng Thanh Hà tìm hiểu văn hóa bản địa, tìm hiểu sự giao hòa trong kiến trúc giữa các tộc người Chămpa, Việt, Hoa, Nhật để từ đó đưa vào sản phẩm mong tìm được đường ra cho gốm Thanh Hà. Tuy nhiên chương trình ấy chưa thành công. Bởi vậy nên ghé làng Thanh Hà lần này, chúng tôi sửng sốt trước một diện mạo mới của ngôi làng 500 năm tuổi.

Gốm Thanh Hà không tráng men và nung bằng lò củi truyền thống

Men theo con đường khang trang dẫn đến Công viên Đất nung Thanh Hà, dọc đường là những kỳ quan của thế giới đã được các nghệ nhân trong làng tái hiện bằng mô hình thu nhỏ với chất liệu gốm. Đó là Tháp nghiêng Pissa (Ý), Đền Taj Mahal (Ấn Độ), Nhà hát Sydney (Úc), Nhà Trắng (Mỹ), Kim Tự Tháp (Ai Cập), Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp)…

Đó là những đồ gốm nổi tiếng một thời như gốm Chu Đậu (Đại Việt), gốm Mỹ Nghiệp, gốm Sa Huỳnh (Chăm), gốm Thanh Hà (Việt). Công viên Đất nung Thanh Hà đồng thời hoạt động như một bảo tàng gốm độc đáo nhất nước, gồm 9 khu: khu lò gốm, khu bảo tàng làng nghề, khu sản phẩm làng, khu chợ gốm, khu thế giới thu nhỏ, khu vườn sắp đặt, khu gốm Sa Huỳnh – Chăm, khu các làng nghề truyền thống và khu triển lãm. Mới mở cửa được nửa năm, nhưng Công viên Đất nung Thanh Hà đã thu hút được sự chú ý của khách du lịch và trở thành một điểm tham quan chính trong tour Hội An.

Tác giả của Công viên Đất nung Thanh Hà là KTS. Nguyễn Văn Nguyên – con em những nghệ nhân làm gốm Thanh Hà. Sau khi thành công trong nghề xây dựng với vai trò Giám đốc Công ty Nhà Việt Corp tại TP.HCM, anh đã đầu tư xây dựng công viên này ngay trên quê hương mình. Sự ra đời của Công viên cũng là hành trình thay đổi tư duy của những nghệ nhân làng nghề Thanh Hà, đó là tìm cách đưa gốm Việt ra thế giới.

Nghề gốm bây giờ phải thay đổi để thích hợp với các tiêu chí bảo vệ tài nguyên và môi trường. Hơn nữa, làng Thanh Hà nằm sát Di sản văn hóa Hội An, nên phát triển nghề gốm qui mô lớn là bất khả thi. Một công trình như Công viên Đất nung Thanh Hà là hướng mở của thế hệ trẻ để giữ được chiều sâu văn hóa của làng nghề, biến nó thành sản phẩm du lịch là thích hợp với xu hướng bảo tồn di sản văn hóa Hội An.

Tôi nhớ lại những làng gốm mà mình đã đi qua. Những Mỹ Nghiệp, Bát Tràng, Phước Tích đều có bề dày ít nhất cũng ba bốn trăm năm. Mỗi làng gốm đều có cách riêng để giữ nghề truyền thống nhưng không phải làng nào cũng làm giàu được cho người dân. Gốm sứ Mỹ Nghiệp, Bát Tràng đã ra được thế giới, có thương hiệu. Làng Phước Tích (Thừa Thiên – Huế) một thời nổi tiếng còn hơn cả Thanh Hà, bởi làng có kiến trúc rất đẹp thể hiện sự giàu có, sung túc, những ngôi nhà ba trăm năm tuổi in dấu nghề gốm làm ngói âm dương cho kinh đô Huế.

Phước Tích và nhiều làng nghề khác có thể tham khảo hướng đi của Thanh Hà, tức vừa giữ nghề truyền thống vừa bảo tồn văn hóa nghề với những công trình được đầu tư xây dựng bài bản. Những làng nghề khác không thể đi lại đúng con đường này, nhưng những nhà trưng bày truyền thống, cơ sở trình diễn nghề và cải tiến sản phẩm có thể là những bước đi đầu tiên.

Hội An cũng vậy, họ đã thể nghiệm con đường như vậy đến 20 năm phát triển văn hóa du lịch mới hình thành những điểm đến mang tính bảo tồn làng nghề hấp dẫn như Gốm Thanh Hà, Lụa Hội An, Mộc Kim Bồng, Rau Trà Quế. Chúng tôi nghĩ, giờ chỉ cần đưa các nghệ nhân gốm Thanh Hà, nghệ nhân những làng nghề gốm sứ các tỉnh – thành đến giao lưu, trình diễn nghề, trưng bày, mua bán sản phẩm thì công viên gốm này sẽ thành công trọn vẹn.

Đan Như (tổng hợp)

Theo Đời sống
back to top