5 sự thật thú vị về băng biển

Băng biển đóng vai trò quan trọng trong việc phản chiếu ánh sáng mặt trời trở lại vũ trụ, điều hòa nhiệt độ biển và không khí, lưu thông dòng chảy đại dương, và duy trì nơi ở tự nhiên của động vật.
arctic-sea-ice-minimum-extent-2021-777x437.jpg
Lượng băng tối thiểu của Bắc Băng Dương hiện giờ đang giảm với tốc độ 13.1%/thập kỷ

Lượng băng biển là diện tích băng bao phủ Bắc Băng Dương tại một thời điểm nhất định. Đo lượng băng biển giúp các nhà khoa học theo dõi biến đổi khí hậu.

Dưới đây là 5 sự thật giúp bạn hiểu hơn về băng trên Bắc Băng Dương

1. Lượng băng biển đang suy giảm

NASA đã và đang theo dõi lượng băng tối thiểu (thường vào tháng 9) và tối đa (thường vào tháng 3) từ năm 1978. Mặc dù số liệu chính xác có thể dao động qua các năm, nhưng xu hướng chung lại rất rõ ràng: Bắc Băng Dương đang tiêu hụt băng theo từng năm.

TS Rachel Tilling, nhà nghiên cứu về băng biển tại đại học Maryland và tại Trung tâm nghiên cứu các Chuyến bay Vũ trụ Goddard của NASA tại Greenbelt, Maryland cho biết: “Trong 15 năm qua, chúng ta đã chứng kiến 15 lần lượng băng giảm thấp kỷ lục. Mỗi năm, chúng ta đang mất một lượng băng có kích cỡ tương đương diện tích bang West Virginia”.

Lượng băng tối thiểu của Bắc Băng Dương hiện giờ đang giảm với tốc độ 13.1%/thập kỷ. Tốc độ này có khả năng sẽ tăng nhanh chóng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu-ấm lên toàn cầu và chu trình phản hồi băng-albedo.

Hiệu ứng albedo là khả năng phản chiếu ánh mặt trời từ Trái Đất trở lại vũ trụ của bề mặt băng trắng. Việc làm đổi hướng năng lượng mặt trời khỏi bề mặt đại dương này giữ cho lớp nước biển phía dưới  lạnh hơn.

Khi băng biển tan sẽ làm lộ ra lớp nước có màu thẫm hơn nên sẽ hấp thụ ánh mặt trời. Lớp nước đó sau khi trở nên ấm hơn sẽ làm tan những tảng băng khác, tạo nên chu trình phản hồi băng-albedo.

sea-ice-777x580.jpg

2. Băng biển giúp hạn chế hiện tượng khí quyển ấm lên

Băng biển hoạt động như một tấm chăn, ngăn cách đại dương và khí quyển. Ngoài việc chỉnh hướng đi của ánh mặt trời, băng biển còn giữ lại nhiệt lượng vốn có trong đại dương, không cho tiếp xúc với lớp khí phía trên.

Khả năng giữ nhiệt của băng tùy thuộc vào lượng và độ dày của băng.
Hàng năm, có một lượng băng tồn tại được qua đợt tan chảy mùa hè. Khi mùa đông tới, sẽ có nhiều băng hơn và chúng trở nên dày và chắc hơn, loại này được gọi là “băng lâu năm”.

Băng năm đầu tiên thường rất mỏng và dễ tan vỡ, hoặc thậm chí bị cuốn trôi ra khỏi Bắc Băng Dương. Điều này khiến cho các băng biển ở Bắc Băng Dương đang dần trở nên trẻ và mỏng hơn, biến nó thành 1 cái chăn không còn hiệu quả.

3. Băng biển ảnh hưởng cuộc sống của các sinh vật 

Theo TS Tilling, một hệ sinh thái khổng lồ bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi của băng biển. Do băng biển suy giảm, các loài động vật như cáo Bắc Cực, gấu Bắc Cực và hải cẩu đã bị mất đi môi trường tự nhiên của chúng.
Kể cả sự sống phía dưới lớp băng cũng bị ảnh hưởng.

Do các tinh thể băng hình thành trên bề mặt nước biển, chúng chừa lại lượng muối xuống phần đại dương bên dưới. Lớp nước biển mặn và đặc này sau đó sẽ chìm xuống đáy đại dương, từ đó sẽ tạo hiệu ứng đẩy các lớp nước khác lên. Kết quả là ta có lớp nước giàu dinh dưỡng hơn được đẩy lên lưu thông gần bề mặt biển. Những chất dinh dưỡng đó vô cùng thiết yếu với các vi sinh vật phù du, trở thành thức ăn cho cá và động vật.

4. Băng tan không ảnh hưởng nhiều tới mực nước biển dâng

Bởi vì băng biển hình thành từ nước biển mà nó nổi trên, loại băng này tương tự viên đá trong một cốc nước lọc. Giống như viên đá không làm thay đổi nhiều về mực nước trong cốc khi nó chảy, băng tan ở Bắc cực cũng không gây ảnh hưởng đáng kể tới mực nước biển. Băng tan trên đất liền, ví dụ như ở Greenland hay những lớp băng ở Nam cực mới là yếu tố gây ra mực nước biển dâng. 

5. Các vệ tinh cho phép NASA giám sát được băng biển

Bắc Băng Dương là một châu lục khó tiếp cận và nghiên cứu. Do đó NASA, Cơ quan Quản lí khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA), cơ quan Vũ trụ Châu Âu... đã tận dụng lợi thế của vũ trụ để thu thập dữ liệu từ khu vực này. Có 2 loại thiết bị chính thường được dùng để theo dõi băng:

Thiết bị vi sóng gián tiếp đo sự phát xạ vi sóng của các bề mặt. Các phát xạ tự nhiên này cùng với đặc trưng khác biệt giữa băng biển và nước, đã cho phép các nhà khoa học định vị được cả 2 loại.

Loại thứ hai là thiết bị đo độ cao, có thể được sử dụng để ước lượng độ dày của băng biển. Vệ tinh ICESat-2 của NASA được phóng vào năm 2018, sử dụng tia laser để đo độ cao của băng và của nước từ đó tính toán độ dày toàn phần.

Theo Scitechdaily
back to top