5 lưu ý điều trị cho phụ nữ có bệnh tuyến giáp mang thai

(khoahocdoisong.vn) - Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ vừa đưa ra 5 lưu ý điều trị quan trọng cho phụ nữ bị bệnh tuyến giáp mang thai.

1. Bệnh nhân (BN) suy giáp: Chuyển từ điều trị T4 + T3 sang T4 (L-Thyroxin)

Phần lớn BN bổ sung hormon tuyến giáp sử dụng L-Thyroxin (LT4). Một tỷ lệ nhỏ BN dùng hormon tuyến giáp dạng kết hợp T4 + T3 (liothyronine). Những BN này khi muốn mang thai cần được tư vấn rằng L-Thyroxin là thuốc tốt nhất để điều trị suy giáp trong thai kỳ. Họ nên được chuyển sang L-Thyroxin trước khi thụ thai một thời gian để điều chỉnh liều.

Hormon tuyến giáp cần thiết cho thai kỳ bình thường và sự phát triển não bộ của thai nhi. Trong thời kỳ đầu mang thai, sự phát triển của nhau thai và bào thai hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào hormon tuyến giáp của mẹ, vì sự trưởng thành vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến giáp của thai nhi không xảy ra cho đến tuần thai thứ 18.

Do T3 không ngấm được nhiều vào hệ thần kinh trung ương của thai nhi, nên phần lớn T3 của thai nhi có nguồn gốc từ sự chuyển đổi T4 của mẹ. Các chế phẩm tuyến giáp có chứa T4 và T3, với lượng T3 quá nhiều so với T4 (tức là, tỷ lệ T4/T3 là 4,2/1, so với 14/1 trong tuyến giáp người bình thường) sẽ có nguy cơ tiềm tàng bị thiếu T4 cung cấp cho não thai nhi.

2. BN suy giáp: Tăng liều hormon tuyến giáp thay thế lên 20 - 30%

Ở người bình thường, tuyến giáp sẽ phì đại trong thời kỳ mang thai do kích thích của hormon TSH từ tuyến yên và beta-hCG của nhau thai để sản xuất nhiều hormon tuyến giáp hơn, đáp ứng nhu cầu tăng lên của thai nhi. Vì vậy, những BN suy giáp phải tăng liều hormon tuyến giáp để đáp ứng nhu cầu gia tăng này.

Ngay khi biết có thai, các BN cần tự tăng liều L-Thyroxin và thông báo ngay cho bác sĩ để được kiểm tra chức năng tuyến giáp. Họ có thể uống thêm 2 viên mỗi tuần khi có thai. Ví dụ, nếu một BN đang dùng 100µg mỗi ngày trước khi mang thai, thì hãy tăng liều lên 2 viên 100µg vào thứ tư và chủ nhật, tương đương với việc tăng 20 - 30% liều hằng tuần. Họ cần được theo dõi các xét nghiệm chức năng tuyến giáp khoảng 4 tuần một lần cho đến giữa thai kỳ, khi nhu cầu hormon tuyến giáp tăng lên có xu hướng ổn định. Sau đó BN có thể được theo dõi thưa hơn và có ít nhất một lần sau khi tuổi thai được 30 tuần.

3. BN Basedow cần dùng thuốc kháng giáp PTU trong 3 tháng đầu thai kỳ

Đa số BN mắc bệnh Basedow trong thai kỳ được điều trị bằng thuốc kháng giáp, là methimazole (MMZ) hoặc propylthiouracil (PTU). MMZ được sử dụng phổ biến nhất ở BN không mang thai vì nó có thể được dùng một lần mỗi ngày, so với ba lần mỗi ngày cho PTU. PTU cũng liên quan đến tăng nguy cơ nhiễm độc gan. Cả MMZ và PTU đều có liên quan đến dị tật bẩm sinh trong thai kỳ, với tỷ lệ 2 - 4%. Tuy nhiên, PTU được ưu tiên hơn trong ba tháng đầu vì nguy cơ bị các dị tật bẩm sinh ít nghiêm trọng hơn so với MMZ và có nhiều khả năng có thể điều chỉnh được bằng phẫu thuật.

Thai nhi dễ bị tác dụng phụ nhất của thuốc kháng giáp trong khoảng tuần thứ 6 - 10, khi các hệ cơ quan đang hình thành. Chuyển sang PTU trước khi mang thai sẽ giúp tránh thai nhi tiếp xúc với MMZ trong giai đoạn đầu thai kỳ. Đối với phụ nữ đang dự tính mang thai, hãy cân nhắc chuyển từ MMZ sang PTU khi BN thôi sử dụng biện pháp tránh thai.

4. Các BN ung thư tuyến giáp nên duy trì mức độ ức chế TSH như trước khi mang thai

Liệu pháp ức chế TSH là một thành phần quan trọng trong điều trị ung thư tuyến giáp, thường mục tiêu TSH sẽ là ở mức thấp của bình thường. Trong thai kỳ, phần lớn các nghiên cứu không chứng minh được nguy cơ gia tăng các biến chứng ở mẹ hoặc thai liên quan đến cường giáp dưới lâm sàng (TSH thấp). Lưu ý, ở những phụ nữ không có tiền sử bệnh tuyến giáp, nồng độ TSH có thể thấp hơn giới hạn bình thường trong thai kỳ. Do đó, mức độ ức chế TSH tương tự được duy trì trước khi mang thai có thể được tiếp tục một cách an toàn trong thai kỳ. Để duy trì mức độ ức chế trước khi thụ thai, những phụ nữ đã cắt tuyến giáp sẽ cần tăng liều hormone L-Thyroxin vì nhu cầu hormone tuyến giáp trong thai kỳ cao hơn.

5. Theo dõi nồng độ hormon tuyến giáp trong ít nhất 1 năm sau đẻ

Sau đẻ, phụ nữ nên quay lại liều L-Thyroxin như trước khi mang thai. Tiếp đó nên được xét nghiệm lại vào 6 tuần sau khi đẻ và điều chỉnh nếu cần thiết. Khoảng 5% phụ nữ và 50% những người có tăng kháng thể Anti-TPO có thể bị viêm tuyến giáp sau sinh (PPT). Lưu ý là những người có tăng Anti-TPO nhưng vẫn còn bình giáp trong thai kỳ có nguy cơ mắc viêm tuyến giáp sau đẻ cao gấp 4 lần so với những người cần điều trị L-Thyroxin. PPT thường xảy ra khoảng 6 - 12 tuần sau đẻ, diễn biến qua các giai đoạn (1) cường giáp kéo dài vài tuần đến vài tháng, (2) tiếp theo là giai đoạn bình giáp ngắn, và (3) giai đoạn suy giáp. Phần lớn trở về bình giáp sau 1 năm sau khi đẻ. Nói chung không cần điều trị vì PPT thường thoáng qua và tự khỏi. Tuy nhiên, có 20 - 50% phụ nữ có thể bị suy giáp vĩnh viễn và cần phải điềut rị L-Thyroxin. Khoảng 30 - 70% những phụ nữ này có thể bị lại PPT ở lần mang thai sau đó.

Những phụ nữ bị Basedow sẽ thuyên giảm trong nửa sau của thai kỳ, nhưng dễ bị tái phát trong thời kỳ hậu sản khi hệ thống miễn dịch được phục hồi. Những người này sẽ cần điều trị lại bằng thuốc kháng giáp, thường là MMZ. Phụ nữ dùng MMZ có thể cho con bú một cách an toàn, mặc dù liều MMZ nên được duy trì ở mức < 20mg mỗi ngày. Một số phụ nữ có thể mắc bệnh Basedow mới khởi phát trong thời kỳ hậu sản.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai)

Theo Đời sống
back to top