5 lần phẫu thuật, cứu sống bàn chân đứt lìa cho bệnh nhi 5 tuổi

(khoahocdoisong.vn) - Gần 2 tháng qua, các bác sĩ Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM đã trải qua 5 lần phẫu thuật để cứu sống bàn chân bị đứt lìa hoàn toàn cho bệnh nhi 5 tuổi.

Bé trai Huỳnh Minh S.N. (sinh năm 2016, Bình Chánh TPHCM) trong một lần tha thẩn chơi gần vị trí xe nâng hàng đang hoạt động và bị càng xe nâng cắt khiến bàn chân phải đứt lìa. 

Vì người lớn bất cẩn, bàn chân của bé trai 5 tuổi bị càng xe nâng chém dứt lìa hoàn toàn.
Vì người lớn bất cẩn, bàn chân của bé trai 5 tuổi bị càng xe nâng chém dứt lìa hoàn toàn. 

Người nhà đã bỏ trực tiếp bàn chân bị đứt lìa vào thùng đá, 10 phút sau, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Tại đây, các bác sĩ đã bảo quản lại bàn chân đúng phương pháp trong bọc nilon và đặt trong thùng đá trước khi chuyển bé đến Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM.

Các bác sĩ Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM đã tiến hành 5 lần phẫu thuật để cứu sống bàn chân cho cháu bé.
Các bác sĩ Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM đã tiến hành 5 lần phẫu thuật để cứu sống bàn chân cho cháu bé. 

Phần đứt lìa ngang qua 2/3 trước bàn chân lộ gân xương. Bệnh nhi được xử lý săn sóc tại chỗ vết thương chống nhiễm trùng, giảm đau, xét nghiệm tiền phẫu. TS.BS Phan Đức Minh Mẫn, Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi, cùng các đồng nghiệp quyết đinh nối lại bàn chân cho bé vì còn trong thời gian vàng. Lần thứ nhất, các bác sĩ đã tiến hành, cắt lọc sạch vết thương, cắt ngắn xương, kết hợp xương và nối siêu vi phẫu bàn chân cùng truyền 500ml máu.

Hình ảnh trước khi bệnh nhi xuất viện, bàn chân và ngón chân sống hoàn toàn.
Hình ảnh trước khi bệnh nhi xuất viện, bàn chân và ngón chân sống hoàn toàn.

Nhiễm trùng sau nối đứt lìa bàn chân là một vấn đề nguy hiểm đến tính mạng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và tử vong nếu không tháo bỏ bàn chân đứt lìa. BSCKII Võ Chiêu Tài đã theo dõi sát và phối hợp với êkip gây mê để thực hiện 4 lần phẫu thuật bổ sung kịp thời, không bỏ cuộc để cứu được hoàn toàn bàn chân của cháu bé.

Sau mổ lần đầu tiên, bàn chân bệnh nhi bị tím do tắc tĩnh mạch, nên các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật để nối ghép mạch máu bị tắc. Hậu phẫu 5 ngày sau đó, các ngón chân hồng, ấm có dấu hiệu sự sống nhưng da mặt lưng bàn chân nhiễm trùng hoại tử nên bé phải lên bàn mổ lần thứ 3 và lần thứ 4 để cắt bỏ da hoại tử. Lần phẫu thuật thứ 5 là ca ghép da sau 1 tháng bệnh nhi bị tai nạn. Hiện bàn chân được ghép của bé đã sống lại và bệnh nhi đã xuất viện.

Theo Đời sống
back to top