Tuổi thọ càng cao sẽ càng gặp nhiều các bệnh lý của hệ thống cơ xương khớp do thoái hóa. Trước đây, chúng ta hay quan tâm đến các bệnh lý của khớp háng và khớp gối, tuy nhiên hiện nay các bệnh lý khớp vai đang ngày càng tăng do tuổi thọ và nhu cầu hoạt động cao.
Bệnh lý khớp vai thường khó chẩn đoán vì khớp vai có cấu trúc giải phẫu phức tạp bao gồm nhiều khớp (khớp ổ chảo – chỏm cánh tay, khớp cùng vai – đòn) và hệ thống các gân chóp xoay, dây chằng phức tạp để giữ khớp vai có biên độ vận động lớn. Đôi khi, bệnh lý khớp vai còn cần phân biệt với bệnh lý cột sống cổ.
Do đặc điểm giải phẫu, bệnh lý khớp vai ngoài tổn thương xương còn gặp rất nhiều tổn thương phần mềm như gân, dây chằng, màng hoạt dịch … Tất cả tổn thương đều dẫn tới đau khớp vai.
Các bệnh lý khớp vai thường gặp ở người trung niên, cao tuổi đang tăng cao |
Dưới đây là một số bệnh lý khớp vai thường gặp nhất ở người trung niên – cao tuổi
Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai
Hội chứng này thường gặp người cao tuổi do thoái hóa xương mỏm cùng vai. Kết quả là phần xương mỏm cùng vai “dày lên” sẽ chèn ép vào phần mềm bên dưới mà hay gặp nhất là bao hoạt dịch và gân chóp xoay. Khi đó, người bệnh khó đưa tay lên cao.
Tiếp đó là các phản ứng viêm tại chỗ nên người bệnh đau vai tăng về đêm, mất ngủ. Bệnh diễn biến kéo dài, nặng hơn có thể làm đứt gân chóp xoay.
Về điều trị: với thể nhẹ thì có thể điều trị bằng thuốc uống hoặc tiêm tại chỗ, kèm theo hướng dẫn tập luyện và vật lý trị liệu. Nặng hơn hoặc khi có hình ảnh hẹp khoang mỏm cùng vai có tổn thương chóp xoay thì cần phẫu thuật nội soi “ tạo hình xương mỏm cùng vai” để làm rộng khoang này, đồng thời khâu gân chóp xoay.
Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai - Ảnh BSCC |
Rách chóp xoay
Chóp xoay là một nhóm gồm bốn cơ quanh khớp vai có tác dụng để chỏm xương cánh tay “quay quanh” ổ chảo. Chấn thương chóp xoay gặp trong các môn thể thao sử dụng tay (quần vợt, cầu lông, bóng bàn, golf …) hoặc khi ngã đập vai xuống nền cứng.
Đôi khi là do hiện tượng “vận động khớp vai quá nhiều – overuse” dẫn tới các vi chấn thương ở các sợi gân, tổn thương tích lũy theo thời gian dẫn tới đứt chóp xoay.
Triệu chứng: ban đầu người bệnh thường đau âm ỉ ở khớp vai, thường xuyên làm gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm, đặc biệt nặng hơn khi nằm nghiêng về bên vai tổn thương. Ở giai đoạn tiến triển, người bệnh khó đưa tay ra sau lưng kèm theo yếu cánh tay, không thể đưa cánh tay lên cao.
Điều trị: Kết hợp điều trị nội khoa và vật lý trị liệu trong giai đoạn ban đầu khi các triệu chứng nhẹ, khi điều trị nội khoa không cải thiện cần phẫu thuật nội soi khâu chóp xoay.
Rách chóp xoay - Ảnh BSCC |
Đông cứng khớp vai
Đông cứng khớp vai là tình trạng vai đau nhiều, mất vận động nhiều động tác đặc biệt là động tác đưa tay lên cao và xoay ngoài. Bệnh thường gặp ở người trong độ tuổi từ 50-60, đặc biệt là phụ nữ.
Vai đông cứng xảy ra khi bao khớp, dây chằng, gân, màng hoạt dịch khớp vai bị viêm, quá trình viêm làm các tổ chức này dày lên và “siết chặt quanh khớp vai”, dẫn đến cử động của khớp vai bị hạn chế. Hoặc ở những trường hợp phải bất động kéo dài trong gãy xương, trật khớp vùng vai có nguy cơ bị đông cứng khớp vai cao hơn.
Điều trị đông cứng khớp vai rất đa dạng phụ thuộc vào mức độ triệu chứng lâm sàng và giai đoạn bệnh, bao gồm nội khoa (dùng thuốc giảm đau, chống viêm…), phục hồi chức năng và phẫu thuật.
Viêm bao hoạt dịch, viêm đầu dài gân cơ nhị đầu
Nguyên nhân thường do tình trạng thoái hóa dẫn tới viêm các cấu trúc phần mềm quanh khớp vai. Triệu chứng thường gặp là đau khớp vai, đau tăng về đêm và khi đưa tay lên cao hoặc ra sau lưng. Bệnh nhân thấy khó khăn khi thay áo hoặc chải tóc.
Điều trị thường uống thuốc chống viêm và giảm đau, kết hợp phục hồi chức năng. Đa phần bệnh nhân đáp ứng tốt khi được tiêm thuốc chống viêm vào “cấu trúc phần mềm” bị viêm.
Viêm bao hoạt dịch, viêm đầu dài gân cơ nhị đầu - Ảnh BVCC |
Bệnh lý chóp xoay dẫn tới thoái hóa khớp vai
Bệnh khớp chóp xoay là một dạng đặc biệt của bệnh thoái hóa khớp vai do rách chóp xoay dẫn đến mòn ổ chảo cánh tay bất thường và sau đó là sự di chuyển lên trên của chỏm xương cánh tay. Bệnh thường gặp ở phụ nữ trên 70 tuổi.
Chẩn đoán có thể được thực hiện chủ yếu bằng chụp X-quang và Cộng hưởng từ thấy hình ảnh thoái hóa khớp. Để có phương án điều trị phù hợp đòi hỏi phải thăm khám kỹ lâm sàng và đánh giá hình ảnh phim chụp, điều trị thường phẫu thuật thay khớp vai để cải thiện triệu chứng lâm sàng và chức năng vận động khớp vai.
Khi có một trong các triệu chứng sau:
- Khớp vai bạn đau kéo dài > 2 tuần
- Đau khó dạng tay
- Khó khăn khi thay quần áo và chải tóc
- Đau nhiều về đêm hoặc ngã đập vai sau 2 tuần còn đau
Bạn nên khám ngay Bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.
ThS.BSNT. Nguyễn Anh Dũng\
(Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống – Bệnh viện Bạch Mai)