40-60% trường hợp nhiễm khuẩn vết mổ có thể phòng tránh

Theo thông tin từ hội nghị “Kiểm soát nhiễm khuẩn trong ngoại khoa”, có tối thiểu 7 triệu ca biến chứng, trong đó, 1 triệu trường hợp tử vong toàn cầu hàng năm liên quan đến phẫu thuật và nhiễm khuẩn. Con số này có thể giảm xuống nếu việc phòng chống nhiễm khuẩn được quan tâm, tuân thủ và giám sát chặt chẽ.

Hội nghị do Bệnh viện Bình Dân phối hợp với Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn TPHCM vừa tổ chức vào ngày 7/9 với sự tham gia của các chuyên chuyên gia đầu ngành và hàng trăm nhân viên y tế từ nhiều bệnh viện tại TPHCM và các tỉnh lân cận.

Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng nguy cơ tử vong lên 2-3 lần

Theo TS.BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, nhiễm khuẩn bệnh viện, vi khuẩn kháng kháng sinh đang là gánh nặng cho người bệnh và là thử thách “khó nhằn” cho ngành y tế tại nhiều quốc gia đang phát triển.

Do đó, mục đích của hội nghị này là để chia sẻ tình hình, kinh nghiệm thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn trong lĩnh vực ngoại khoa, hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, đảm bảo an toàn người bệnh, nâng cao chất lượng bệnh viện, xây dựng và gìn giữ lòng tin của người bệnh, thân nhân đối với các cơ sở khám chữa bệnh trong nước…

PGS.TS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM, cho biết: Trên thế giới hiện nay, cứ 25 người thì có 1 người phải lên bàn mổ 1 lần trong cuộc đời. Tuy nhiên, không phải ai sau mổ cũng ra về một cách an toàn. Có khoảng 3-16% phẫu thuật có biến chứng và tử vong liên quan đến phẫu thuật là 0,4-0,8%. Nhiễm khuẩn vết mổ là một trong những nguyên nhân hàng đầu.

Kiểm soát nhiễm khuẩn trong ngoại khoa là một vấn đề quan trọng.

Tại Việt Nam, theo điều tra của Bộ Y tế, nhiễm khuẩn vết mổ đứng hàng thứ hai trong nhiễm trùng bệnh viện. Đây là mối lo lắng và quan tâm rất lớn của ngành y tế.

Nhiễm khuẩn vết mổ tăng gấp 2-3 lần thời gian nằm viện, kéo dài thời gian nằm viện 7-10 ngày, tăng 5% khả năng bệnh nhân nhập viện lại khiến việc sử dụng kháng sinh gia tăng và dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Cũng vì thế, chi phí điều trị ngày càng nhiều nhưng nguy cơ tử vong lại tăng lên 2 – 3 lần. Tại Mỹ, chi phí để điều trị liên quan đến nhiễm khuẩn chiếm khoảng 3 tỷ đô la mỗi năm.

40-60% nhiễm khuẩn vết mổ có thể phòng tránh

Vi khuẩn có thể tấn công người bệnh từ khi mới… bước chân vào cổng bệnh viện, lên giường mổ và cả lúc ra về nên các chuyên gia trong lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn khuyến cáo, bác sĩ, nhân viên y tế và thân nhân người bệnh cần thực hành tốt kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện và tại phòng mổ để đảm bảo an toàn, giảm nguy cơ rủi ro cho người bệnh.

Người bệnh có thể bị vi khuẩn tấn công từ khi mới bước chân vào bệnh viện cho đến khi lên bàn mổ.

Đặc biệt, khu vực phòng mổ cần thiết kế đúng tiêu chuẩn, hệ thống thông khí phải đảm bảo, vệ sinh môi trường phòng mổ phải thực hiện triệt để, dụng cụ, thiết bị mổ phải được khử khuẩn, tiệt khuẩn, kiểm soát đúng quy trình, những người tham gia kíp mổ phải thực hiện đúng quy trình từ khâu tiếp nhận bệnh, vệ sinh cơ bản và trong suốt quá trình phẫu thuật và đưa bệnh nhân ra chăm sóc trong phòng hồi sức.

Nếu làm tốt, 40-60% nhiễm khuẩn vết mổ có thể phòng tránh.

Phẫu thuật và xuất viện trong 24h: Nỗ lực giảm thiểu rủi ro cho người bệnh

Các chuyên gia cho biết, các loại nhiễm khuẩn liên quan đến quá trình phẫu thuật gồm có: Nhiễm khuẩn vết mổ; Viêm phổi hậu phẫu; Nhiễm khuẩn niệu liên quan đến thông tiểu; Nhiễu khuẩn huyết liên quan đến đường truyền tĩnh mạch.

Nhiễm khuẩn vết mổ xảy ra trong 30 ngày sau mổ, xảy ra ở vùng da hay vùng dưới da tại đường mổ và có ít nhất 1 trong những các biểu hiện sau: Chảy mủ từ vết mổ nông. Bệnh nhân có ít nhất các triệu chứng: sốt trên 38 độ, đau sưng, nóng, đỏ…

Nhiễm khuẩn gây nên các tình trạng viêm tủy xương, viêm trung thất, nội tâm mạc, viêm màng ngoài tim, màng não hoặc viêm não thất, áp-xe nội sọ, viêm khoang, đĩa đệm, viêm xoang, tai, xương chũm, viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng, áp-xe ổ bụng….

Hiện nay một số bệnh viện lớn và mạnh trong lĩnh vực ngoại khoa đã quan tâm  và kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Bệnh viện Bình Dân là cơ sở hàng đầu về ngoại tổng quát, tiết niệu, nam khoa ở phía Nam với số người bệnh phẫu thuật mỗi ngày gần 150 trường hợp nên bệnh viện rất xem trọng vấn đề  phòng tránh nhiễm khuẩn bệnh viện. Các vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn diễn ra chặt chẽ với rất nhiều hoạt động như áp dụng mô hình Tiệt khuẩn trung tâm hiện đại, sử dụng các kiểm tra giám sát chất lượng, đảm bảo dụng cụ đạt chất lượng trước khi sử dụng cho người bệnh, giám sát sự tuân thủ việc sử dụng kháng sinh dự phòng sau mổ, giám sát vi khuẩn đa kháng thuốc…

Một ca phãu thuật tại BV Bình Dân TPHCM

ThS.BS Phạm Hữu Đoàn, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bình Dân cho biết, bên cạnh những thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định, hơn 1 năm nay, bệnh viện còn chủ động giảm thiểu nguy cơ, rủi ro cho bệnh nhân được phẫu thuật bằng cách xem xét những trường hợp nào không quá nặng, điều kiện phẫu thuật đảm bảo an toàn, khâu tiền mê và chăm sóc hậu phẫu đảm bảo thì khâu nhận bệnh, phẫu thuật và cho xuất viện chỉ tiến hành trong vòng… 1 ngày. Bệnh nhân không phải nằm chờ mổ nhiều ngày như trước đây, tốn kém tiền bạc, sức lực, gây nên tình trạng quá tải bệnh viện không cần thiết và dễ bị nhiễm khuẩn.

An Lâm

Theo Đời sống
back to top