4 đúng khi sử dụng điện ngày nắng nóng

Làm sao sử dụng điện năng an toàn, hóa đơn tiền điện không tăng đột biến mỗi khi thời tiết vào giai đoạn cao điểm nắng nóng... đang là câu hỏi được nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm.

Dự báo tiêu thụ điện tăng cao

Theo Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) dự báo sản lượng điện tiêu thụ mùa nóng năm 2022 trong tháng 4 và tháng 5 sẽ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thực tế, hóa đơn tiền điện trong tháng 4/2022 có tăng, nhưng không quá nhiều.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC cho biết, sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày trong tháng 3/2022 tại TPHCM là 81,2 triệukWh/ngày, cao hơn 2,14% so với sản lượng bình quân ngày của tháng 3/2021 (79,5 triệu kWh/ngày); tăng 19,78% so với sản lượng bình quân ngày của các tháng tháng 1 và 2/2022 (67,79 triệu kWh/ngày).

Do ảnh hưởng các cơn mưa đầu mùa, dự báo sản lượng điện bình quân ngày của cả tháng 4/2022 có giảm nhẹ, đạt 79,5 triệu kWh/ngày, giảm 1,24% so với sản lượng điện bình quân ngày của tháng 4/2021 (80,5 triệu kWh/ngày); tăng 17,27% so với các tháng 1 và 2/2022.

"Do thời tiết thuận lợi, nền nhiệt độ tháng 4/2022 không tăng quá cao nên hóa đơn tiền điện của người dân không biến động lớn như những năm trước. Trong những ngày tới, nhiệt độ có thể giảm nhẹ do ảnh hưởng của mùa mưa sắp đến. Sản lượng theo đó cũng giảm nhẹ ở mức dưới 80 triệu kWh những ngày nhiệt độ đỉnh bằng 31 - 320C và sẽ tăng lên trên 80 triệu kWh trong những ngày nhiệt độ đỉnh 35 - 360C.

anh-1.jpg

Theo EVNHCMC, máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỉ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình.

Phân tích sản lượng điện năng tiêu thụ theo từng nhóm khách hàng qua 3 tháng đầu năm 2022 cho việc phục hồi sử dụng điện do ảnh hưởng dịch Covid-19, ông Kiên cho biết, nhóm có tỷ trọng lớn nhất là khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Dự báo sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày của tháng 5/2022 sẽ tiếp tục tăng cao, đạt đỉnh điểm mùa khô và đạt từ 81,22 - 84,35 triệu kWh/ngày.

Theo ông Kiên, nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng cao trong mùa nắng nóng là do khách hàng sử dụng nhiều thiết bị làm mát, trong đó máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình. Tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình.

Chọn công nghệ inverter tiết kiệm điện

Inverter là công nghệ biến tần thường được sử dụng để sản xuất các thiết bị điện máy, điện lạnh như tủ lạnh, điều hòa, máy giặt... Công nghệ này có thể kiểm soát công suất của thiết bị nhằm tránh hao phí năng lượng không đáng có, từ đó tiết kiệm điện năng tiêu thụ từ 20 - 40% so với các dòng sản phẩm thông thường.

Một máy điều hòa nếu được sử dụng công nghệ inverter sẽ có thể tiết kiệm được 1/2 điện năng tiêu thụ so với điều hòa thông thường. Điều hòa inverter còn có khả năng duy trì nhiệt độ trong phòng một cách ổn định.

Còn với tủ lạnh, công nghệ inverter có thể kiểm soát nhiệt độ của ngăn đông, ngăn mát một cách ổn định, từ đó bảo quản thực phẩm được tươi ngon hơn và tiết kiệm điện năng hơn. Công nghệ Neuro Inverter của Mitsubishi có khả năng theo dõi thói quen sử dụng của người dùng, theo dõi thay đổi từ môi trường để xác định chế độ vận hành phù hợp, vừa đảm bảo bảo quản tốt thực phẩm vừa tiết kiệm điện nhất có thể. Còn công nghệ Linear Inverter trên các dòng tủ lạnh của LG giúp hạn chế ma sát của thiết bị để giảm lượng điện năng tiêu thụ xuống mức thấp nhất đồng thời kiểm soát biên độ dao động nhiệt bên trong ngăn mát ở mức 0,5 độ C.

Chủ động kiểm soát để giảm tiền điện

Lãnh đạo EVEHCMC cũng cho biết, bản thân các thiết bị làm mát phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ làm mát trong phòng. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 10C, thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh tăng từ 2 - 3%, nhiệt độ tăng khoảng 50C thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%.

Do đó, dù thời gian sử dụng máy lạnh không thay đổi, nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh vẫn tăng lên rất nhiều.

Ngoài ra, do biểu giá điện sinh hoạt hiện hành là giá bậc thang, nên tỷ lệ tăng về tiền điện sẽ lớn hơn tỷ lệ tăng về lượng điện tiêu thụ. Ví dụ, nếu lượng điện tiêu thụ tăng từ 200kWh/tháng lên 400kWh/tháng (tăng 100% về lượng điện) thì tiền điện từ 401.760đ sẽ tăng lên 981.720đ, tức tăng 144,35% về tiền. Nếu lượng điện tiêu thụ tăng từ 300kWh/tháng lên 500kWh/tháng (tăng 60% về lượng điện) thì tiền điện sẽ từ 675,648đ tăng lên 1,297,836đ, tức tăng 92,09% về tiền.

Nhãn năng lượng so sánh: Là nhãn được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường có mức hiệu suất năng lượng khác nhau ứng với 5 cấp hiệu suất năng lượng (từ 1 - 5 sao). 5 sao là nhãn có hiệu suất tốt nhất, tức là thiết bị có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm nhất.

Như vậy, nếu các sản phẩm cùng loại, cùng công suất và chức năng thì sản phẩm 5 sao là sản phẩm tối ưu nhất. Càng ít sao càng tốn điện. Đặc biệt, với một số thiết bị như bóng đèn huỳnh quang, đèn compact... thì nên chọn mua loại có dán nhãn xác nhận hình ngôi sao. Đó là những sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Nhãn năng lượng xác nhận: Có biểu tượng Tiết kiệm năng lượng (hay còn gọi là Ngôi sao năng lượng Việt) được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường khi những phương tiện, thiết bị này có mức hiệu suất năng lượng đạt hoặc vượt mức hiệu suất năng lượng cao (HEPS) do Bộ Công Thương quy định theo từng thời kỳ.

Do vậy, để có thể chủ động kiểm soát và giảm chi phí trả tiền điện, EVNHCMC khuyến nghị khách hàng thường xuyên theo dõi sản lượng điện sử dụng hằng ngày qua App EVNHCMC CSKH và thực hiện các giải pháp gồm: Sử dụng điện theo nguyên tắc 4 đúng - đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng yêu cầu.

Khi mua thiết bị điện, nhất là những thiết bị có công suất tiêu thụ lớn, khách hàng nên mua những sản phẩm có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; Cần kiểm tra lại đường dây và thiết bị bảo vệ điện trong nhà để chống thất thoát, tổn hao điện cũng như bảo đảm an toàn cháy nổ.

Để chung tay thực hành tiết kiệm điện, EVNHCMC đề nghị các doanh nghiệp sản xuất cần cân đối bố trí lịch sản xuất theo hướng tiết giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm, tăng cường sử dụng điện trong giờ thấp điểm, phối hợp với ngành điện theo dõi, kiểm soát chất lượng điện năng.

Mới đây, tại hội thảo Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: “Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ, năm 2022 sẽ không tăng giá điện, tức là chúng ta sẽ cân đối các nguồn điện một cách hợp lý nhất đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Theo Đời sống
back to top