4 cấp độ “Thích ứng an toàn” với Covid-19: Lo ngại nhất là tiêu chí đáp ứng về y tế

Thích ứng an toàn với COVID-19 đòi hỏi 4 cấp độ dịch bệnh phải được đánh giá cẩn thận ở từng địa phương, thậm chí từng xã phường, thôn xóm và có phương hướng hành động cụ thể đảm bảo đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế và không để dịch bệnh bùng phát.
4-cap-do.jpg

4 cấp độ là hoàn toàn hợp lý

Trao đổi với PV KH&ĐS về “4 cấp độ thích ứng an toàn” với COVID-19 vừa được Chính phủ đưa ra, ThS. BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Nhiệt Đới T.Ư, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, hiện tình hình dịch vẫn còn có thể kéo dài, nguy cơ dịch ở từng vùng có nơi cao và nơi thấp, với nhiều yếu tố khác nhau...

Vì vậy, không thể áp dụng cứng nhắc những chỉ thị trước đây nữa. Việc thay đổi của Chính phủ về 4 cấp độ hiện nay là hoàn toàn hợp lý, hài hòa giữa việc ưu tiên cho phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe an toàn tính mạng người dân, phát triển kinh tế và bình thường các hoạt động xã hội...

Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng của chúng ta trong giai đoạn này vẫn phải đảm bảo không để xảy ra nguy cơ dịch bùng phát lớn và nguy cơ tử vong ở người bệnh. Việc phân định nguy cơ vùng khác nhau với 4 cấp độ: bình thường, trung bình, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao dựa trên 3 tiêu chí là yếu tố quan trọng trong công tác phòng chống dịch.

4-cap-do-1.jpg
4 cấp độ “Thích ứng an toàn” với COVID-19

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà phân tích, dựa trên tỷ lệ ca mắc mới trên số dân đánh giá tốc độ lây lan, phản ánh nguy cơ lưu hành của dịch để đưa ra biện pháp phòng ngừa là rất đúng.

Việc ưu tiên tiêm văcxin với đối tượng nguy cơ cao trong khi chúng ta chưa có đủ số lượng văcxin bao phủ ngoài cộng đồng cũng rất đúng. Chỉ khi có nhiều văcxin chúng ta mới nên tính đến mức độ bao phủ cộng đồng.

Lo ngại nhất là tiêu chí đáp ứng về y tế

Điều ThS.BS Nguyễn Hồng Hà lo ngại nhất hiện nay là tiêu chí đáp ứng nhu cầu về y tế. Thực tế tại đợt dịch thứ 4 này cho thấy, việc đáp ứng về y tế rất quan trọng. Nếu chúng ta không dập được dịch hoàn toàn thì cần phải chủ động về y tế để đáp ứng với người bệnh, có vậy mới giảm được số ca mắc và tử vong.

Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay đang rất khó khăn. Hiện tỷ lệ bác sĩ bình quân ở nước ta là 7 y bác sĩ/1 vạn dân, trong khi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình khác là 16 người/1 vạn dân. Ngay lúc này chúng ta không có khả năng, năng lực để nâng cao toàn bộ hệ thống y tế mà cần đầu tư cho việc xây dựng y tế tuyến xã phường.

Hệ thống y tế xã phường, quận huyện hiện nay mới chỉ điều trị các ca thông thường, làm việc phong trào, điều trị các ca bệnh nặng rất ít, đội ngũ nhân viên ít... nên khi có dịch bùng phát như trong TPHCM (dù được coi là địa phương có tỷ lệ đội ngũ y tế cao tính trên đầu dân) thì y tế tuyến xã phường đã không thể quản lý được các ca F0 tại nhà, phải có sự trợ giúp của tuyến trung ương, học viện quân y và quân đội.

Vì vậy, đây là lúc cần thiết để các tỉnh, các sở y tế phải xây dựng tổ chức hệ thống y tế tuyến quận, huyện mạnh lên có thể điều trị được cho bệnh nhân cần thở oxy và hỗ trợ cho tuyến phường xã khi dịch xảy ra. Phải có sự chuẩn bị sẵn sàng thì mới có thể kiểm soát được ca nhiễm và giảm tỷ lệ tử vong ở các cấp độ nguy cơ.

Theo ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, dù không đạt được về tiêu chí đáp ứng hệ thống điều trị khi có dịch xảy ra thì mỗi địa phương cũng cần tổ chức lại cho tốt để có thể kịp thời ứng phó với dịch bệnh.

Về cấp độ phân vùng, theo ThS.BS Hà, không chỉ dừng ở tuyến trung ương hay quận huyện mà cần phân cấp tới tận quy mô xóm, ấp, thôn, xóm, tổ dân phố... . Sự phân cấp cần áp dụng linh hoạt, sát thực tiễn, quản lý chi tiết tới từng tiêu chí: Cách ly, xét nghiệm, quản lý điều trị F0 tại nhà, vấn đề hoạt động trong nhà ngoài trời, sản xuất, đi lại... có vậy mới đảm bảo vùng nguy cơ cao vẫn kiểm soát được dịch và vẫn phát triển được kinh tế không bị đứt gẫy. Chẳng hạn như: vùng nguy cao vẫn có thể cho dân gặt lúa ngoài đồng vì nguy cơ lây nhiễm rất thấp...

Về vấn đề mở cửa giao thương đi lại cũng cần phải có bản đồ cập nhật cho dân ở các vùng nguy cơ để người dân biết và thực hiện theo đúng quy định của từng vùng.

Để tránh bùng phát lây lan dịch với biến chủng Delta, trong giai đoan “sống chung an toàn” này, người dân dù đã được tiêm văcxin hay chưa tiêm cần tuân thủ 5K và các quy định khác của chính quyền.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top