32 khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải

(khoahocdoisong.vn) - Lợi ích từ các khu công nghiệp (KCN) là không thể chối cãi khi nó kích thích kinh tế vùng, tăng GDP, giải quyết việc làm... Tuy nhiên, mặt trái của nó là nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên nếu như không có một hệ thống xử lý nước thải hoàn thiện.

Chỉ tập trung vào thu hút đầu tư

Với đặc trưng sử dụng nhiều hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất ra sản phẩm trong các KCN thì yêu cầu về xử lý nguồn nước thải phải đặc biệt cẩn trọng. Theo các nghiên cứu tác động môi trường của Tổng cục Môi trường, các ngành như công nghiệp dệt may, ngành công nghiệp giấy và bột giấy… các chỉ số sinh học của nước thải thường vượt nhiều lần ngưỡng cho phép, có thể gây ô nhiễm nặng nề các nguồn nước mặt trong vùng nếu không được xử lý đúng cách.

Ngoài ra, với từng ngành sản xuất khác nhau, các hóa chất độc hại trong nước cũng khác nhau, do đó, yêu cầu KCN phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra môi trường là bắt buộc.

Đại đa số các KCN được xây dựng trên các tuyến sông lớn, vừa thuận tiện cho việc lấy và xả nước. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với tăng khả năng gây ô nhiễm diện rộng nếu nước thải từ các KCN không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đến đầu năm 2020, trong số 274 KCN đang hoạt động, đã có 242 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 89%. Tức là còn 32 KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Hệ quả, hàng loạt con sông bị KCN “bức tử” được người dân liên tục phản ánh. Vụ việc Công ty Cổ phần bột giặt LIX gây ô nhiễm kênh Suối Chợ (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) gần đây là một ví dụ.

Báo cáo của Bộ TN&MT không nêu rõ đã xử phạt các KCN này như thế nào. Nhưng báo cáo lại cho biết tình trạng các KCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường ngày càng cao.

Bộ TN&MT nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số địa phương chỉ tập trung thu hút đầu tư, song thiếu đôn đốc, kiểm tra, tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN đẩy nhanh tiến độ xây dựng cũng như đưa vào vận hành kịp thời hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Chưa giám sát chặt chẽ việc xả nước thải của các KCN gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt phía ngoài hàng rào KCN.

Ngịch lý nhà máy nước thải dư thừa công suất

Cũng theo báo cáo từ Bộ TN&MT, có 191/244 KCN có trạm quan trắc tự động, chiếm 78,3%. Có 276 cụm công nghiệp có báo cáo đánh giá tác động môi trường, 160 cụm công nghiệp có hệ thống tách nước mưa và nước thải, 109 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 10 cụm công nghiệp có hệ thống quan trắc tự động nước thải.

Tổng công suất của các nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động đạt hơn 951.330m3/ngày - đêm, với công suất trung bình mỗi nhà máy đang hoạt động đạt 4.000m3/ngày - đêm, trong đó, công suất nhỏ nhất là 200m3/ngày - đêm (tại KCN Cơ khí ô tô TPHCM) và lớn nhất là 50.000m3/ngày đêm (tại KCN Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên).

Tuy nhiên, tổng lượng nước thải thực tế của các KCN trên cả nước là 635.000m3/ngày - đêm còn lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra môi trường là 450.000m3/ngày đêm, tức là mới xử lý được 71% lượng nước thải phát sinh.

Như vậy, không phải là công suất các nhà máy xử lý nước thải tại các KCN không đáp ứng được nhu cầu, mà trái lại, công tác thu gom nước thải để xử lý không đủ để các nhà máy này hoạt động hết công suất.

Hệ quả, hiệu suất sử dụng của các hệ thống xử lý nước thải tập trung trên toàn quốc là 48%.

Trong đó, các KCN tại khu vực Đông Nam bộ có tỷ lệ phát sinh nước thải cao nhất nước (chiếm 50%). Một số địa phương như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, là những địa phương đi đầu với 100% KCN có lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT kiểm soát.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, chuyên gia về kinh tế môi trường, vùng Đông Nam bộ với toàn bộ các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi tập trung các KCN lớn nhưng số lượng KCN có hệ thống xử lý nước thải vẫn đang ở mức trung bình (50 - 60%), hơn nữa, 50% trong số đó vẫn chưa hoạt động hiệu quả.

Thực tế, đến nay bộ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật về quản lý nước thải vẫn chưa hoàn thiện và đang chạy theo thực tế. Điều này phát sinh nhiều khó khăn khi các doanh nghiệp lựa chọn công nghệ xử lý thải cũng như chính quyền xử lý sai phạm.

Theo Đời sống
back to top