300 lá thư Trịnh Công Sơn gửi cùng mối tình sầu muộn

Từ ngày gặp Dao Ánh cho đến tận cuối đời, trong 37 năm, 300 lá thư Trịnh Công Sơn đã viết cho bà với tất cả say đắm, nồng nàn cùng dở dang, sầu muộn.

Mối tình giữa Dao Ánh và Trịnh Công Sơn là mối tình kỳ lạ. Họ yêu nhau say đắm đến vậy nhưng rồi chẳng thể đến bên nhau. Cuộc tình đang mặn nồng bỗng dưng dở dang mà chẳng vì một biến cố nào. 300 lá thư Trịnh Công Sơn viết cho giai nhân hé lộ một “nàng thơ” trong rất nhiều sáng tác của ông.

Dao Ánh, người đã nhận 300 lá thư Trịnh Công Sơn gửi với tất cả say đắm, nồng nàn.

Tình nồng qua những cánh thư

Dao Ánh là em ruột của Ngô Vũ Bích Diễm, mối tình đầu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cũng là người con gái trong bài Diễm xưa. Tuy nhiên, mối tình của người nhạc sĩ tài hoa này với Bích Diễm không sâu nặng bằng với Dao Ánh. Trong các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, hình ảnh của Dao Ánh gắn liền với các ca khúc như: Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em, Ru em từng ngón xuân nồng, Lời buồn thánh…

Từ ngày gặp Dao Ánh cho đến tận cuối đời, trong 37 năm, 300 lá thư Trịnh Công Sơn đã viết cho bà, nhiều nhất là khoảng thời gian từ năm 1964 đến 1967.

Ngay từ khi còn nhỏ, Dao Ánh đã ngưỡng mộ và yêu quý Trịnh Công Sơn. Chính vì thế, khi biết chị Bích Diễm chia tay Trịnh Công Sơn, Dao Ánh viết thư cho ông để nói lên tình cảm thân thương đồng thời cùng ông chia sẻ những tâm tư u buồn. Lúc đó, Dao Ánh 15 tuổi còn Trịnh Công Sơn 24 tuổi.

Họ thư từ qua lại liên tục trong suốt 3 năm và phải đến gần Tết Trung Thu năm 1966, khi ấy Dao Ánh 18 tuổi, Trịnh Công Sơn mới nói lời yêu: “Dao Ánh, có một điều không nên nói ra mà vẫn phải nói và vẫn phải nói trong lúc uống thật say để có đủ can đảm nghe lời phủ nhận hay cái gật đầu: Anh yêu Ánh… Nếu điều đó không làm Ánh phiền lòng thì hãy đến bên anh bằng một dáng dấp khác, bằng một thời khắc và bằng một vẻ nồng nàn mà anh vẫn hằng mong”.

Sau lời tỏ tình ấy, họ chính thức yêu. Khi yêu nhau, Dao Ánh đang là cô nữ sinh của trường Đồng Khánh còn Trịnh Công Sơn vừa mới tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn và đang giảng dạy tại thành phố B’lao (nay là Bảo Lộc – Lâm Đồng). Thế nhưng, tình yêu ấy không vì khoảng cách mà bớt yêu thương, nồng nàn. Nỗi nhớ nhung da diết, lời yêu thương mật ngọt đều được họ chuyển qua những cánh thư.

Trong 300 lá thư Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh, Trịnh Công Sơn luôn thể hiện nỗi nhớ thương da diết dành cho người yêu bé nhỏ: “Anh nhớ Ánh, nhớ Ánh, nhớ Ánh mà không nói được với ai. Như tiếng kêu của một loài kiến nhỏ. Làm thế nào Ánh nghe thấy… Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh trở về buổi trưa mắt buồn, áo trắng… Rất mong thư Ánh mỗi ngày mỗi giờ mỗi tháng mỗi năm…”. “Anh bây giờ đang có một điều cần nhất là: Yêu Ánh vô cùng. Anh đang nhớ lắm đây. Tình yêu đó bỗng đổi dạng như một phép lạ…”.

Quả thật, hiếm có tình yêu nào trong xa cách mà toàn bộ những trang thư lại chan chứa như những nốt nhạc như thế. Đó là mối tình đẫm chất thơ, mối tình mộng mơ, mối tình chan chứa những yêu thương giống như đóa hoa bung nở trong buổi sáng mùa xuân nhưng đồng thời cũng nhuốm màu tuyệt vọng.

“… Buổi trưa anh không ngủ được nên lang thang ra phố. Mưa nhỏ rồi lớn dần đuổi anh về đây. Anh đang ngồi ở câu lạc bộ sát bờ hồ. Bờ hồ bây giờ đã điêu tàn lắm. Người ta đã chặt bỏ những cây khô sống bao nhiêu năm nay trong hồ. Có một vài chỗ nước rút xuống chỉ còn bùn đen.

Buổi chiều gió thật lạnh. Anh đã mặc áo ấm suốt ngày ở đây.

Anh nhớ Ánh lắm mà ngôn ngữ thì quá chật hẹp, quá cũ kỹ không chuyên chở nổi sự nhớ nhung này. Nên anh đã nói đã nhắc mãi mỗi ngày mà vẫn chưa đỡ nhớ tí nào…”.

Trích đoạn một trong 300 lá thư tình Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh.

Sầu muộn đến cuối đời

Lá thư đầu tiên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh vào ngày 2/9/1964 và lá thư cuối cùng là e-mail viết vào ngày 17/1/2001, trước khi ông mất chưa đầy 3 tháng. 300 lá thư Trịnh Công Sơn viết này được công bố vào năm 2013 trong cuốn sách Thư tình gửi một người mà gia đình Trịnh Công Sơn thực hiện. Sau khi 300 lá thưTrịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh được công bố, người ta mới biết về tình yêu sâu đậm mà người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn dành cho giai nhân mang tên Dao Ánh. Với những ngôn từ chan chứa yêu thương, đong đầy nỗi nhớ người ta hiểu ông yêu Dao Ánh nhiều đến nhường nào, trân trọng người phụ nữ ấy ra sao.

Vậy, tại sao mối tình thơ đang nồng nàn yêu thương lại dừng lại trong tiếc thương?… Qua những bức thư Trịnh Công Sơn để lại, người ta tin rằng, ông quyết định chia tay Dao Ánh vì biết mình không thể cho Dao Ánh cái bà muốn, một mái ấm gia đình.

Trong bức thư chia tay, nhạc sĩ họ Trịnh viết: “Bây giờ đã quá khuya, chương trình chuyên đề về tình yêu còn để lại một vị đắng rất mỏng. Mọi người cũng đã ngủ từ lâu và anh cũng phải quyết định một lần cho Ánh lẫn cho anh. Một quyết định thật khó khăn và chẳng ai trong cuộc dám dứt khoát với chính mình. Quyết định nào cũng có sự khổ sở của nó. Anh cam đành là kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố gắng đóng cho trọn vai trò của mình.

Cho đến phút này anh vẫn cảm thấy chỉ riêng mình anh đã sống thật hồn nhiên trong tình yêu đã qua. Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây. Hãy xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả và sau quyết định này là một lối ngỏ thênh thang, trên đó Ánh hãy đi vào những phiêu lưu mới đừng ăn năn, đừng băn khoăn gì cả. Tất cả đã rõ như một khoảng trắng. Cũng đành vậy thôi. Anh đã nhìn tình yêu ở một độ cao nhất của thủy triều. Quyết định như không thuộc về anh. Anh xin cảm ơn 4 năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được…”.
Sau cuộc tình đẹp nhưng cũng đầy xót xa ấy, Dao Ánh đã sang Mỹ và lập gia đình. Hơn 20 năm sau, Dao Ánh đã trở lại Việt Nam, gặp lại Trịnh Công Sơn. Ngày gặp lại, yêu thương thuở nào lại ùa về và Trịnh Công Sơn đã viết Xin trả nợ người để dành tặng Dao Ánh. Dưới bản nhạc ông viết tặng Dao Ánh là một tiếng thở dài đau nhói: “Nỗi buồn xin lỗi bàn tay/Tấm thân hiu quạnh ngồi say một mình…”.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bà Dao Ánh trong một lần hội ngộ,

Mối tình với Dao Ánh dường như chưa bao giờ thôi ám ảnh người nhạc sĩ tài hoa ấy. Thế nên, dù mối tình thơ ấy đã kết thúc hơn 30 năm, nhưng những lời cuối cùng của Trịnh Công Sơn vẫn là viết cho Dao Ánh. Ngày đó, ông nằm trên giường bệnh, không thể cầm bút được, nên phải đọc cho một người bạn viết giùm và gửi qua e-mail. Đó vẫn là những lời an ủi thật dịu dàng giống như nhiều năm trước: “Ánh cố gắng tìm được những niềm vui nhỏ nhắn trong cuộc sống bình thường là quý giá lắm rồi. Chúc Ánh một cái Tết thú vị dù chỉ một mình hay với người khác”.

Với Dao Ánh, Trịnh Công Sơn cũng giữ một vị trí vô cùng thiêng liêng trong trái tim bà. 300 lá thư Trịnh Công Sơn viết vẫn được bà lưu giữ trân trọng và khi gửi tặng lại những bức thư này, bà cũng nặng nỗi ưu tư. Bà nói, khi trả lại những kỷ vật này cũng đồng nghĩa với việc đang tự giết mình. Mấy chục năm qua, nhờ 300 lá thư Trịnh Công Sơn đã gửi cho bà đó mà bà luôn cảm thấy Trịnh Công Sơn ở bên cạnh. Nhưng,… Trịnh Công Sơn là của mọi người nên bà nghĩ không có quyền giữ nó cho riêng mình.

“Những bụi bờ dọc theo những con dốc đất đỏ ở đây anh vừa đi qua ban sáng và thấy lá của hoa mặt trời xanh um. Anh ngắt gửi về Ánh một ngọn. Hoa thì vẫn chưa nở. Có lẽ đợi hôm nào có mặt trời thì hoa mới bắt đầu hiện diện và cũng là mùa mà anh đã gọi là mùa sinh nhật của hướng dương.

Anh đang nhớ thầm về những buổi chiều thứ năm ở đó. Chỉ mới có vài ngày mà tưởng chừng như ngàn đời qua đi trên anh. Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn.

Những ai chưa bao giờ đi, chưa bao giờ sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa ngày nắng trên bao nhiêu vùng đất khác nhau, chưa bao giờ nhìn sâu vào bên sau của con người thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của đời sống được”.

(Trích một lá thư Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh)

Theo Lê Anh (NĐT) – MN tổng hợp

Theo Đời sống
back to top