3 yếu tố quyết định hiệu quả điều trị suy tim

Theo TS.BS Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, để đạt được hiệu quả điều trị, người bệnh suy tim cần phối hợp 3 yếu tố chính đó là sử dụng thuốc đều đặn, thực hiện chế độ dinh dưỡng và chế độ luyện tập theo đúng chỉ định của bác sĩ.
ts-bs.-bui-the-dung-kham-cho-nguoi-benh.jpg
Người bệnh suy tim cần phối hợp 3 yếu tố chính đó là sử dụng thuốc đều đặn, thực hiện chế độ dinh dưỡng và chế độ luyện tập theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Phối hợp cả 3 yếu tố trên sẽ giúp bệnh nhân giảm đáng kể triệu chứng suy tim, cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm biến chứng bệnh, giảm tỷ lệ nhập viện, tỷ lệ tử vong và chi phí điều trị.

Theo ThS.BS. Phạm Ngọc Đan, khoa Nội tim mạch, những sai lầm trong việc chăm sóc người bệnh suy tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng bệnh diễn tiến nặng.

Người bệnh nên duy trì chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể lực, dùng thuốc đều đặn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Nên biết cách theo dõi các dấu hiệu bệnh diễn tiến tại nhà, tái khám đúng hẹn hoặc hỏi ý kiến bác sĩ ngay khi có thắc mắc về tình trạng sức khỏe của mình.

Bên cạnh đó, ngay khi có các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng gây nhiều hậu quả nguy hiểm và tử vong.

Các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo trên người bệnh suy tim bao gồm: Khó thở khi hoạt động hoặc khi nằm; mệt mỏi và suy nhược; sưng ở chân, mắt cá chân và bàn chân; nhịp tim nhanh hoặc không đều; ho dai dẳng hoặc thở khò khè kèm theo chất nhầy nhuốm màu hồng; sưng vùng bụng; tăng cân rất nhanh do tích tụ chất lỏng; buồn nôn và chán ăn; đau ngực.

Người bệnh suy tim cần ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Trong đó hạn chế tiêu thụ muối dưới 1.500mg mỗi ngày; tăng cường thực phẩm giàu chất xơ; hạn chế thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa, cholesterol và đường. Đặc biệt, giảm tổng lượng calo tiêu thụ hằng ngày để giảm cân nếu cần thiết. Cần bỏ hẳn thuốc lá và rượu bia.

Bên cạnh đó, một chương trình tập luyện tim mạch thường xuyên do bác sĩ chỉ định sẽ giúp cải thiện sức bền và khiến bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn, làm giảm sự tiến triển của suy tim.

Tuy nhiên, người bệnh không nên lạm dụng các chương trình tập luyện. Một số hoạt động nặng nhất định, chẳng hạn như đẩy hoặc kéo vật nặng, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim và các triệu chứng của nó.

Để tránh mắc suy tim và các biến chứng do suy tim, nên sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, uống đủ nước, theo dõi đường huyết, cholesterol, huyết áp và bệnh đái tháo đường, đồng thời kiểm tra định kỳ chức năng tim.

Người bệnh đái tháo đường thường gặp các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim cấp, thiếu máu cơ tim kéo dài khiến tế bào cơ tim suy yếu. Từ đó, tim không còn đảm bảo chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể.

Người bệnh bị suy tim sẽ giảm khả năng hoạt động, giảm chất lượng cuộc sống. Hiện có khoảng 2/3 số trường hợp tử vong ở người bệnh đái tháo đường là do bệnh tim mạch, trong đó 40% là do bệnh động mạch vành, 15% do các bệnh tim mạch khác (chủ yếu là suy tim) và khoảng 10% do đột quỵ.

BS. Nguyễn Xuân Vinh - Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top