3 chương trình mục tiêu quốc gia 92.000 tỷ đồng chậm vì 'làm kỹ để tránh sai sót, tiêu cực'

Theo Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Giảm nghèo bền vững; mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tổng tiền ngân sách dành cho 3 chương trình này khoảng 92.000 tỷ đồng, nhưng hiện đang thực hiện chậm. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Thủ tướng đã lập Ban chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng, cùng ban hành 19 văn bản để phê duyệt, quy định nguyên tắc, tiêu chí và phân bổ vốn cho 3 chương trình này.

Đồng thời, lập các tiêu chí phân định, danh sách huyện nghèo, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc đối tượng của chương trình giảm nghèo bền vững. Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cũng đã có.

phambinhminh.jpeg
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh

Riêng về ngân sách, Thủ tướng đã giao kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách trung ương 2021-2025 cho các địa phương và giao dự toán ngân sách trung ương 2022 cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng do khối lượng công việc nhiều, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nên phải rà soát kỹ để tránh những sai sót, tiêu cực có thể xảy ra.

Nhưng để đẩy nhanh tiến độ, tránh tình trạng chậm như hiện nay, Ban chỉ đạo Chính phủ tới đây sẽ yêu cầu các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chương trình, đề án với lộ trình cụ thể và có văn bản hướng dẫn.

Các địa phương khẩn trương giao kế hoạch vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025 và năm 2022. Có các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với địa phương và quy định liên quan theo thẩm quyền.

"Quá trình thực hiện tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực, thất thoát ngân sách nhà nước", ông Minh nhấn mạnh.

Đồng thời, các cấp, ngành ưu tiên giải quyết các vấn đề bức xúc như đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho địa bàn khó khăn.

Theo Đời sống
back to top