22 tuổi mang u buồng trứng 8 kg

(khoahocdoisong.vn) - Từ một u nang buồng trứng nhỏ sau 1 năm khối u đã chiếm toàn bộ ổ bụng. Vậy phải phát hiện và chữa trị như thế nào để phụ nữ bị u buồng trứng vẫn có con.

1 năm u to 8 kg

Ngày 20/3, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ nặng gần 8kg cho bệnh nhân Đào Thị N., 22 tuổi, (Yên Sơn, Tuyên Quang).

Gia đình bệnh nhân  cho biết, các đây khoảng 1 năm, bệnh nhân N. bị đau bụng, đã đi khám và phát hiện có khối u nang buồng trứng nhỏ. Bệnh nhân không mổ mà về nhà tự sử dụng thảo dược (không rõ nguồn gốc) và “đốt ngải” để điều trị nhưng không đỡ, bụng ngày càng to hơn. Gần đây, bệnh nhân đau bụng nhiều, bí đại tiện phải nhập viện trong tình trạng bụng chướng căng, da niêm mạc nhợt, xanh. Kết quả siêu âm và chụp CT-Scanner cho thấy hình ảnh 1 khối dịch lớn, chiếm toàn bộ ổ bụng.

BSCKI Phạm Thanh Thịnh, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, trưởng kíp mổ cho biết, sau khi mở ổ bụng, kíp mổ thấy khối u rất to, nguồn gốc của khối u bắt đầu ở buồng trứng bên phải, kíp mổ đã tiến hành cắt lấy khối u và khâu đóng ổ bụng, kích thước khối u là (25x25x35)cm nặng gần 8kg. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, khối u có thể gây tắc ruột, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Đây là khối u nặng nhất từ trước đến nay được phẫu thuật tại bệnh viện.

Khối u-buong-trung-8kg được lấy ra

Khối u-buong-trung-8kg được lấy ra

Phụ nữ chưa có con chiếm tỷ lệ lớn

Trao đổi về u buồng trứng khổng lồ ở phụ nữ trẻ, PGS.TS Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, u buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ dậy thì và phụ nữ trên 60 tuổi. Trong số này, phụ nữ chưa có con lại chiếm tỉ lệ rất lớn.

Theo báo cáo của bệnh viện Từ Dũ, u buồng trứng xuất hiện ngày càng nhiều và đa số tập trung ở phụ nữ dưới tuổi 30. Tại bệnh viện Từ Dũ có đến 45% phụ nữ chưa sinh con mắc bệnh này vì không sinh con hoặc chưa sinh con là yếu tố thuận lợi u buồng trứng phát triển.

U buồng trứng phần lớn là u nang, thường khó phát hiện sớm vì không có triệu chứng. Có tới 55% bệnh nhân nhập viện khi có triệu chứng đau bụng, bụng lớn dần. Những triệu chứng này thường dễ nhầm lẫn với chứng đau bụng khi hành kinh, rối loạn kinh nguyệt, thậm chí có không ít phụ nữ khi thấy bụng lớn dần thì tưởng đó là... mỡ bụng. Chỉ có gần 20% các trường hợp là được phát hiện qua thăm khám định kỳ.

Triệu chứng và bệnh cảnh

- Cảm giác nặng bụng và có khối u ở bụng dưới, ở vùng chậu (83%).

- Đau chằng, quặn ở bụng dưới rốn (48%).

- Rối loạn kinh nguyệt, có chảy máu âm đạo (29%).

- Dậy thì sớm hoặc không thấy kinh nguyệt.                                       

- Về sau: biếng ăn, mất ngủ, táo bón hoặc tiểu nhiều lần.

Lành tính vẫn tử vong

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tuyên, phần lớn u buồng trứng là dạng u nang lành tính (chiếm trên 90%). Chỉ có một số ít trường hợp là u ác tính (hay còn gọi là ung thư buồng trứng), nhưng cũng có một số trường hợp mới đầu là u lành tính, nhưng do không chữa trị sớm có thể dẫn đến u ác tính và dễ gây tử vong (đặc biệt ở hai nhóm tuổi: tuổi trẻ (10 - 12 tuổi) tuổi sau mãn kinh...

Đối với các u lành tính bình thường thì không nguy hiểm nhưng khi xảy ra biến chứng rất dễ gây tử vong. Biến chứng hay gặp nhất là vỡ nang, nếu vỏ nang có mạch máu bị tổn thương sẽ gây chảy máu và phải cấp cứu. Một biến chứng khác là xoắn nang, xảy ra khi cuống nang dài làm nang di chuyển và bị xoắn. Nếu được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, tiên lượng sẽ tốt, ngược lại, khối u sẽ vỡ ra hoặc hoại tử và bệnh nhân có thể tử vong.

Các chuyên gia cho biết, nếu u lành tính hoặc ung thư có độc tính thấp được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân vẫn có thể giữ được buồng trứng và sinh sản bình thường. Nếu phát hiện trễ, khả năng cắt bỏ tử cung và buồng trứng là rất cao. Đối với ung thư độc tính cao, nguy cơ tái phát rất lớn vì khả năng sống của tế bào ung thư này rất mạnh.

Vì vậy, các chuyên gia đều khuyên, phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ nên thường xuyên đi khám sản phụ khoa, khám sức khỏe định kỳ từ 3-6 tháng/1 lần, khi có dấu hiệu đau bụng nhiều hoặc cơ thể gầy yếu nhưng bụng to bất thường... phải nghĩ tới u buồng trứng và đi khám chuyên khoa, tránh để tình trạng khối u chèn ép ổ bụng, đường thở, vỡ khối u, gây suy kiệt, nhiễm độc... gây tử vong cho bệnh nhân.

Tỷ lệ sống sau 5 năm điều trị; 73% phát hiện được ở giai đoạn I, 46% ở giai đoạn II, 19% giai đoạn III và 5% giai đoạn IV.

Thúy Nga

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top