2 tư thế tập phòng thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ (ĐSC) là bệnh lý thường gặp. Nó gây ra nhiều khó khăn cho người bệnh. Sau đây là 2 tư thế tập phòng thoái hóa đốt sống cổ.

Tư thế nằm ngửa

Động tác 1: Bệnh nhân co 2 chân, chống 2 khuỷu tay xuống giường lấy lực. Ưỡn ngực lên và ưỡn cổ ra sau, giữ lại tới khi nào mỏi thì hạ thấp xuống.

Động tác 2: Nằm thẳng nâng cổ về phía trước,cố gắng cằm chạm ngực, giữ lại tới khi nào mỏi thì hạ thấp xuống.

Động tác 3: Nằm thẳng, đầu nghiêng sang trái, dùng tay trái đẩy lại tạo 2 lực đối kháng nhau, khi nào mỏi ta đổi bên.

Tư thế ngồi

Động tác 1: Đan chéo 2 tay để lên trán, đầu cúi về phía trước, 2 tay đẩy ngược lại, khi nào mỏi thì dừng lại.

Động tác 2: Đầu nghiêng sang trái, dùng tay trái đẩy lại tạo 2 lực đối kháng nhau, khi nào mỏi ta đổi bên.

Động tác 3: Gập cổ về phía trước từ từ sao cho cằm chạm ngực rồi ngửa lên và ra sau chậm rãi.

Động tác 4: Nghiêng cổ hết mức qua trái rồi qua phải.

Động tác 5: Xoay cổ hết mức qua trái rồi qua phải

Mỗi động tác làm 10 – 15 lần. Tập các động tác trên xong, bệnh nhân thực hiện xoa bóp làm mềm cơ gân, thông kinh hoạt lạc, giảm đau.

Bệnh nhân ngồi trên ghế tựa hoặc nằm, thầy thuốc đứng, lần lượt làm các thủ tục sau:

– Day, lăn, bóp vùng cổ gáy.

– Bấm các huyệt phong trì, thiên trụ, phong môn, a thị huyệt, kiên tỉnh.

– Bóp vùng cổ gáy 1 lần nữa.

– Vận động cổ:

+ Quay cổ: Thầy thuốc đứng sau lưng bệnh nhân. Một tay đỡ cằm, tay kia để ở xương chẩm từ từ vận động đầu bệnh nhân qua phải, trái với góc độ tăng dần. Đến khi nào thầy thuốc cảm thấy cơ mềm và không thầy trở lực gì ở ta. Lúc đó thầy thuốc sẽ dùng sức hơi mạnh lắc đầu bệnh nhân sang phải và làm tiếp phía bên kia. Trong khi vận động lắc như vậy có thể nghe thấy tiếng kêu ở khớp cổ.

+ Nghiêng cổ: Cẳng tay thầy thuốc để sát bên cổ trái người bệnh. Tay kia làm động tác nghiêng cổ người bệnh vài lần rồi đột nhiên nghiêng đầu mạnh sang bên trái. Lúc đó có thể gây tiếng kêu ở khớp cổ. Làm tiếp bên cổ phải cũng như bên cổ trái.

+ Ngửa cổ: Cẳng tay thầy thuốc để sau gáy người bệnh. Tay kia để ở trán, làm động tác ngửa cổ, cúi cổ, người bệnh vài lần rồi đột nhiên ngửa mạnh cổ ra sau. Có thể gây  tiếng kêu ở khớp cổ.

+ Tổng hợp các động tác cổ: Đứng sau lưng người bệnh. Một tay thầy thuốc để ở xương chẩm, một tay để ở xương hàm dưới. Dùng sức nhấc đầu bệnh nhân lên và vận động cổ như quay, nghiêng, cúi, ngửa vài lần.

– Chú ý khi vận động cổ, người bệnh cần phối hợp chặt chẽ để tự nhiên. Không lên gân, không cự lại, chỉ trong điều kiện này thủ thuật vận động mới đạt kết quả. Ngày xoa bóp một lần, mỗi lần 20 phút

TS Lê Thị Thanh Nhạn (Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top