2 bài thuốc giúp phục hồi sau tai biến mạch máu não

(khoahocdoisong.vn) - Để phục hồi các di chứng sau tai biến biến mạch máu não như liệt nửa người, khí hư huyết trệ, nói khó đau đầu, chóng mặt, tai ù, tê bì chân tay, nhãn khẩu oa tà (mắt trợn, mồm há)… y học cổ truyền có hai bài thuốc nổi tiếng để trị liệu.

Tai biến biến mạch máu não (TBMMN) hay đột quỵ não là bệnh lý gây ra bởi tình trạng thiếu máu cung cấp cho não, có thể do hiện tượng tắc mạch máu não, chảy máu não hoặc một số nguyên nhân khác. Những bộ phận của não không được máu đến nuôi dưỡng nên bị tổn thương, có thể nhẹ hoặc nặng, dẫn đến một số di chứng như rối loạn cảm giác, rối loạn nhận thức, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn vận động... và một số biến chứng nguy hiểm khác. Bệnh còn là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tử vong trên toàn cầu và cả ở Việt Nam, chỉ xếp sau bệnh lý về tim mạch.

Phục hồi chức năng sau TBMMN là vô cùng quan trọng giúp các bộ phận tổn thương trên cơ thể bệnh nhân có thể phục hồi lại chức năng của nó, giúp bệnh nhân có một sức khỏe tốt và hoạt động, sinh hoạt bình thường.

Theo y học cổ truyền, di chứng TBMMN là do khí hư, huyết ứ, mạch lạc ứ trệ, phong đàm ứ trệ, can thận suy, tinh huyết kém, gân cốt thiếu dưỡng… Nguyên nhân sau xuất huyết, tổ chức não thiếu máu, huyền thũng, não úng thủy… làm cho tổ chức não bộ tổn thương. Vì vậy, cần phải dùng thuốc bổ khí, hoạt huyết, thông kinh lạc… bằng hai bài thuốc sau:

Nhung quy nhị tiên thang: Bài thuốc gồm xuyên khung 12g, đương quy 18g, tiên mao 16g, tiên linh tỳ 12g, ba kích 12g, tri mẫu 16g, hoàng bá 12g, ngưu tất 24g, sắc uống, ngày 1 thang, chia uống hai lần. Công dụng: Bổ thận dưỡng huyết. Chủ trị: Điều trị di chứng TBMMN, có biểu hiện thận hư, toàn thân suy kém… Nếu có khí hư gia hoàng kỳ 16g, đẳng sâm 16g. Tiểu nhiều gia ích trí 6g, tang phiêu tiêu (tổ con bọ ngựa) 1 cái. Co cứng, run rẩy gia quy bản 16g, miết giáp 16g, bạch thược 16g. Nói ngọng gia thiên trúc hoàng 12g, xương bồ 10g, hạ khô thảo 20g, cúc hoa 10g, thạch quyết minh 20g.

Bổ dương hoàn ngũ: Bài thuốc gồm hoàng kỳ 120g, quy vĩ 8g, xích thược 6g, địa long 4g, xuyên khung 4g, đào nhân 4g, hồng hoa 4g, sắc uống. Tác dụng: Bổ khí, hoạt huyết, thông kinh lạc. Chủ trị điều trị sau tai biến mạch máu não, liệt nửa người, mắt miệng méo lệch, nói ngọng, khó nói, tiểu tiện không tự chủ, tiểu nhiều lần, táo bón, lưỡi rêu trắng.

Đây là phương thuốc nổi tiếng trong điều trị phục hồi vận động sau TBMMN. Trong đơn, liều hoàng kỳ rất cao có tác dụng cho người khí kém dẫn đến huyết không lưu thông, cần thận trọng với người huyết áp cao, tim nhịp nhanh và các trường hợp thần kinh thực vật dễ hưng phấn. Tốt nhất, liều hoàng kỳ lúc đầu dùng khoảng 30g nếu đã có tác dụng dùng lại với liều đó hoặc tăng chậm. Nếu chưa có tác dụng thì tăng liều cho đến khi có tác dụng. Thông thường, nếu điều trị sớm tác dụng nhanh, thời gian đã kéo dài (trên 6 tháng) tác dụng kém hơn, cần duy trì điều trị kèm với luyện tập. Nếu tỳ vị hư nhược gia thêm sâm truật; Dương hư, chứng hàn gia phụ tử; Nói khó gia xương bồ, viễn chí.

Ngoài ra có thể day ấn và châm cứu một số huyệt trên cơ thể ở tay như kiên ngung, kiên tỉnh, tý nhu... huyệt ở chân như hoàn khiêu, phong thị, âm lăng tuyền... và huyệt ở đầu mặt cổ bao gồm bách hội, hạ quan, giáp xa.

Lương y Tổng Bích Thủy (Hội Đông y Hà Nội)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top