2 bài thuốc điều trị tỳ vị hư nhược

(khoahocdoisong.vn) - Nhân sâm bại độc tán và Thương lẫm tán là 2 bài thuốc cổ phương thông thường rất hữu ích để chữa kiết lỵ lâu ngày, tỳ vị hư nhược không ăn uống được...

Nhân sâm bại độc tán: Sài hồ, cam thảo, cát cánh, nhân sâm, xuyên khung, phục linh, chỉ sác, tiền hồ, khương hoạt, độc hoạt, mỗi vị đều 900g (30 lạng). Trường hợp không có nhân sâm có thể dùng phòng đảng sâm thay thế.

Cách dùng: Các vị nói trên cùng tán thành bột. Mỗi lần uống 2 đồng cân (6g). Lấy một chén nước to, cho mấy lát gừng sống, một ít bạc hà đun sôi kỹ còn 7/10, bỏ bã, uống ấm với thuốc bột, uống lúc nào cũng được.

Công hiệu: Ích khí giải biểu, tán hàn trừ thấp, hư đàm chỉ khái. Chủ trị: Cơ thể hư nhược, ngoại cảm phong hàn, thấp tà, sợ lạnh, phát nhiệt, nhức đầu, không ra mồ hôi, xương khớp đau ê ẩm, ngạt mũi, nặng tiếng, ho có đờm...

Bài thuốc này phù chính khí, trừ tà khí. Bài thuốc dùng khương hoạt, độc hoạt sơ tán phong hàn thấp tà là chủ yếu, phối hợp với xuyên khung hoạt huyết khư phong chỉ thống, tăng thêm sức tuyến tý chỉ thống, trừ đầu gáy cứng đau. Sài hồ, sinh khương, bạc hà tân tán tà ở biểu. Chỉ sác, cát cánh khoan thông vùng ngực, thuận khí. Tiền hồ phối hợp với chỉ sác, cát cánh lại có thể tuyên phế, trừ đàm. Phục linh, sinh khương, cam thảo kiện từ hòa trung (điều hòa trung tiêu) mà hóa đàm. Nhân sâm ích khí kiện tỳ, phù trợ chính khí, trừ tà khí, thúc đẩy tà theo mồ hôi giải thoát ra ngoài.

Có chỗ khác nhau với các bài thuốc giải biểu nói chung là có vị nhân sâm phối hợp với các vị thuốc giúp chính trừ tà, khiến cho tà độc tán từ phần biểu (bên ngoài, biểu bì). Đúng như sách “Chính phương khảo” đã nói: bồi bổ chính khí, bại kỳ tà độc cho nên gọi là bại độc.

Bài thuốc Thương lẫm tán (phổ tễ phương) cũng có công hiệu chủ trị các bệnh như bài Nhân sâm bại độc tán. Tuy nhiên, ý nghĩa câu cấm khẩu lỵ của bài thuốc tức là kiết lỵ lâu ngày, tỳ vị hư nhược không ăn uống được, chứ không phải cấm khẩu lỵ là đi kiết lỵ bị cấm khẩu không nói được.

Bài thuốc gồm có: Nhân sâm, phục linh, cam thảo, tiền hồ, xuyên khung, khương hoạt, độc hoạt, cát cánh, sài hồ, chỉ sác, trần thương mễ (gạo để lâu ngày trong kho). Các vị có trọng lượng bằng nhau. Cùng tán bột rây đều, gia sinh khương, bạc hà, sắc lấy nước làm thang uống nóng với thuốc. Chữa chứng cấm khẩu lỵ (như đã nói ở trên), độc khí xung tâm (độc khí sối về tim), có nhiệt gây nên.

Sách giải thích nguồn gốc của hai chữ “Thương lẫm” là tỳ vị, đại tràng, tiểu tràng, tam tiêu, bàng quang. Tỳ vị có công năng chung, xuất đi, thu nạp, chuyển vận, truyền hóa đồ ăn thức uống (thủy cốc) cho nên gọi là thương lẫm. Vì vậy, bài Thương lẫm tán rất tốt để bồi bổ cho những người tỳ vị hư nhược, không ăn uống được...

TTND.Lương y giỏi Trần Văn Quảng (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top