1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng

(khoahocdoisong.vn) - Năm Canh Tý (40) cách nay đúng 33 hoa giáp (1980 năm), Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa giành lại độc lập chủ quyền cho dân tộc. Đó là cơn bão đầu tiên nổi lên cuốn sạch lũ giặc phương Bắc xâm lược nước ta.

Trả thù nhà, đền nợ nước

Bà Trưng quê ở Châu Phong

Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên

Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử thay quyền

tướng quân...

(Đại Nam quốc sử diễn ca)

Bấy giờ nước ta bị nhà Đông Hán đô hộ.  Dân ta sống lầm than, rên xiết dưới sự cai trị tàn bạo của viên thái thú Tô Định. Các thủ lĩnh người Việt vô cùng căm phẫn, chỉ chờ thời cơ để nổi dậy.

Ở vùng Mê Linh có gia đình vị lạc tướng dòng dõi vua Hùng rất được nhân dân kính trọng. Họ sinh được hai cô con gái xinh đẹp. Vốn là đất trồng cấy và tằm tơ, ông bà đặt tên cho cô chị là nàng Chắc, cô em là nàng Nhì theo hai lứa kén tằm.

Bố chết sớm, bà mẹ Man Nương tự mình cai quản đất Phong và mời thầy dạy võ  cho hai con. Chẳng bao lâu hai chị em đã giỏi võ nghệ và mưu lược. Họ tập hợp trai gái trong miền luyện võ, thành lập đội quân bảo vệ làng chạ.

Ở vùng đất Chu Diên có chàng Thi Sách cũng dòng dõi lạc tướng, nuôi ý chí đánh đuổi quân cướp nước. Chàng bí mật đi khắp các miền liên kết những hào kiệt yêu nước. Thi Sách đã biết tiếng của hai chị em Trưng Trắc, bèn tìm đến Mê Linh gặp gỡ. Trai tài gái sắc, tâm đầu ý hợp, cùng chung ý chí, họ kết duyên vợ chồng.

Theo kế hoạch, Thi Sách trở về Chu Diên bí mật xây dựng lực lượng. Thái thú Tô Định được mật báo, dùng thủ đoạn bỉ ổi lừa bắt và giết chết Thi Sách.

Hung tin lập tức bay về Mê Linh. Chị em Trưng Trắc vô cùng đau đớn, nhưng cũng cảnh giác, đoán trước Tô Định sẽ nhân dịp này tiếp tục khủng bố, dập tắt âm mưu khởi nghĩa. Không thể chần chừ được nữa, Trưng Trắc  quyết định dựng cờ khởi nghĩa. Có người khuyên nàng nên mặc quần áo tang chồng, nhưng nàng gạt đi và bảo:

- Bây giờ không nên nệ câu vào tiểu tiết lễ giáo, chúng ta không thể tỏ ra bi lụy làm mất sĩ khí toàn quân.

Trước đội quân tập hợp tề chỉnh, gươm giáo sáng lòa, Trưng Trắc và Trưng Nhị cưỡi voi, mặc áo giáp, đội mũ mãng tướng quân uy nghi như hai thiên tướng. Đứng trước cờ, Trưng Trắc dõng dạc tuyên thề :

Một xin rửa sạch thù nhà

Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng

Ba kẻo oan ức lòng chồng

Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.

(Thiên Nam ngữ lục)

Lời hiệu triệu khởi nghĩa nhanh chóng truyền đi. Các anh hùng, nghĩa sĩ  rủ nhau kéo về Mê Linh tụ nghĩa.

Hai Bà Trưng cưỡi voi dẫn đầu đoàn quân ào ào tiến về Luy Lâu, thủ phủ của chính quyền Đông Hán ở Giao Chỉ. Đi đến đâu, giặc tan đến đấy. Luy Lâu thất thủ, thái thú Tô Định hoảng hốt cắt tóc, cải trang chạy trốn về nước. Tin chiến thắng vang dội lan truyền khắp cõi, thủ lĩnh nghĩa quân các miền nổi lên hưởng ứng. Chỉ trong vòng mấy tháng, các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại (Quảng Đông, Quảng Tây) đều đuổi sạch bóng quân thù.

Bà Trưng được tôn lên làm vua, đóng đô ở Mê Linh. Bà Trưng Nhị được phong làm Bình Khôi Công chúa, phó quốc vương, lo toan công việc triều chính. Hai Bà một mặt khôi phục lại sản xuất, xá thuế cho dân. Mặt khác lo liệu việc bố phòng, phân công các tướng đi trấn giữ các nơi xung yếu.

Hai năm sau, nhà Hán cử hai vạn quân tinh nhuệ và hai ngàn thuyền lớn nhỏ sang tái xâm lược. Cầm đầu là Phục Ba tướng quân Mã Viện, một viên tướng già lão luyện từng đàn áp đẫm máu nhiều dân tộc thiểu số và nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân Trung Quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà, quân dân ta đã chiến đấu ngoan cường và oanh liệt, làm cho quân giặc nhiều phen lao đao, nhà Hán phải cử thêm hai vạn quân sang tiếp viện. Cuối cùng, không cự lại được đội quân thiện chiến của giặc, Hai Bà rút quân về thúc thủ ở vùng Mê Linh quê hương và hi sinh tại cửa sông Hát.

Gương anh hùng soi sáng mãi ngàn năm

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng có hai đặc điểm cần nhắc đến:

- Quy mô cuộc khởi nghĩa rộng khắp chưa từng có. Nhân dân khắp các quận từ Giao Chỉ đến Nhật Nam, tức là từ Bắc chí Nam đều nổi dậy. Hơn nữa, cả 65 thành Lĩnh Ngoại cũng cùng hưởng ứng. Đó là vùng Quảng Tây, Quảng Đông vốn thuộc địa bàn nước Nam Việt của Triệu Đà. Điều này một lần nữa chứng tỏ Triệu Đà là vua tiếp nối An Dương Vương trong lịch sử nước ta.

- Các thủ lĩnh khởi nghĩa phần lớn là nữ tướng. Trong đó có nhiều vị nổi tiếng như: Bà Thánh Thiên, chỉ huy miền Hải Đông; Bà Lê Chân, nữ tướng vùng An Biên; Bà Bát Nàn, chỉ huy đội tiền quân, khởi nghĩa ở Thái Bình; Bà Thiều Hoa, tướng tiên phong, khởi nghĩa ở Tam Thanh, Phú Thọ; Bà Phật Nguyệt, chỉ huy thủy quân, khởi nghĩa ở Thanh Ba, Phú Thọ; Bà Lê Ngọc Trinh; nữ đại tướng, khởi nghĩa ở Vĩnh Phúc…

Hiện nay, ở Phú Thọ còn đền thờ 35 nữ tướng, ở Bắc Ninh, Hà Nội, Hòa Bình thờ 30 vị. Các dân tộc Tày, Nùng, Choang ở Việt Bắc, Quảng Đông, Quảng Tây còn lưu giữ nhiều truyền thuyết và đền thờ các vị liệt nữ thời Hai Bà Trưng. Hai Bà Trưng được tôn vinh là hai vị Anh hùng dân tộc chống ngoại xâm đầu tiên trong lịch sử nước ta.

Nhà sử học Lê Văn Hưu viết trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, đủ biết là hình thế đất Việt ta có thể dựng được cơ nghiệp bá vương”.

Nhân đó, ông còn mỉa mai những kẻ hèn nhát với giặc sau này “…bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm thân bộc cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai nữ họ Trưng là đàn bà ư?”.

Tấm gương dũng liệt của Hai Bà Trưng còn vang vọng trên thế giới. Năm 2017, trong diễn văn đọc tại Hội nghi APEC, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi: “Đó là khoảng năm 40 SCN, khi Hai Bà Trưng khơi dậy tinh thần của những người dân đất nước này. Đó là lần đầu tiên dân tộc Việt Nam đứng lên vì nền độc lập và niềm tự hào dân tộc của các bạn”.

Theo Đời sống
back to top