15 vị thuốc trong bài Độc hoạt tang ký sinh

(khoahocdoisong.vn) - Trong các sách của Đông y giới thiệu 3 bài Độc hoạt tang ký sinh, nhưng đều là bài gia giảm để điều trị một số chứng thấp khớp nhất định.

Bài Độc hoạt tang ký sinh của tác giả Tôn Tư Mạo đăng trong bộ sách Bị cấp thiên kim yếu phương. Bài thuốc có 15 vị thuốc và liều lượng để phối ngụ như sau: Độc hoạt 8g, tang ký sinh 12g, tần giao 12g, phòng phong 8g, tế tân 4g, đương qui 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 6g, sinh địa 12, đỗ trọng 12g, ngưu tất 8g, nhân sâm 4g, phục linh 12g, nhục quế 4g, cam thảo 4g. Tác dụng của các vị thuốc:

Độc hoạt vị cay, tính ôn vào kinh can và kinh thận, có tác dụng trừ phong tà, táo hàn thấp, trị các chứng phong, hàn, thấp làm đau lưng, gối tê mỏi.

Tang ký sinh (tầm gửi cây dâu) có vị đắng, tính bình, vào hai kinh can và thận, có tác dụng bổ can thận, làm mạnh gân cốt, ngoài ra còn có tác dụng an thai và xuống sữa, trị các chứng đau nhức mỏi trong cơ thể.

Tần giao vị đắng tính bình vào 4 kinh can đởm, vị và đại tràng, có tác dụng trừ phong thấp, điều hòa khí huyết, thanh nhiệt, lợi tiểu, điều trị các chứng phong tê thấp, tay chân bị co rút.

Phòng phong vị cay ngọt, tính ôn, vào 5 kinh can, phế, tỳ, vị, bàng quang, có tác dụng phát hãn giải biểu trừ phong thấp, trị đau các khớp, đau nhức mỏi toàn thân, các chứng tý do hàn thấp, phong tà.

Tế tân vị cay, tính ấm, vào 4 kinh can, thận, tâm, phế, có tác dụng trừ phong tán hàn thông khiếu hành thủy, giảm đau, trị các chứng đau khắp mình mẩy, đau nhức đầu, đau tức ngực, trị các chứng phong hàn thấp tý. Đặc biệt trị chứng đau nhức chân răng rất tốt.

Đương qui vị cay, đắng, ngọt, thơm, tính ấm, vào 3 kinh tâm, tỳ, can, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết nhuận táo, hoạt tràng, trị các chứng huyết hư, đau tê nhức, bổ khí để sinh cơ, đại tiện táo bón.

Bạch thược (tẩm giấm sao) vị chua đắng, tính hơi hàn, vào phần huyết của kinh can, có tác dụng tả can hỏa, tán ác huyết, trị đau nhức mỏi.

Xuyên khung vị cay, tính ôn, vào 3 kinh tâm bào, can, đởm (túi mật) có tác dụng hoạt huyết, hành khí, khu phong giảm đau, trừ phong thấp, sưng đau các khớp, hành huyết, tán ứ, đau đầu chóng mặt.

Sinh địa vị ngọt đắng, tính mát, vào 3 kinh tâm, can, thận, có tác dụng bổ chân âm, lương huyết, thông huyết mạch, bồi bổ ngũ tạng, thông huyết mạch, tăng khí lực làm sáng mắt, trị chứng huyết ứ do tổn thương tân dịch.

Đỗ trọng vị ngọt hơi cay, tính ấm, vào 2 kinh can và thận, có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt. Trị các chứng đau đầu gối, đi lại khó khăn.

Ngưu tất (tẩm rượu sao) vị đắng chua, tính bình vào 2 kinh can và thận có tác dụng bổ can thận mạnh gân cốt, trị chứng đau hai đầu gối đi lại khó khăn.

Nhân sâm vị ngọt hơi đắng, tính hàn (nếu dùng sâm cao ly thì tính ôn, nếu dùng cát lâm sâm của Trung Quốc tính hàn, phải sao với nước gừng) vào cả 12 kinh mạch của phủ tạng, có tác dụng bổ đại nguyên khí.

Phục linh (bạch linh) vị ngọt nhạt, tính bình, vào 5 kinh tâm, phế, thận, tỳ, vị. có tác dụng làm cường tráng cơ thể, nhuận táo, bổ tỳ, ích khí sinh tân dịch, trị các chứng đau do khí nghịch và các chứng lâm.

Nhục quế vị ngọt cay, tính đạị nhiệt, vào 2 kinh can và thận, có tác dụng bổ chân hỏa trợ dương, khu hàn, giảm đau, trị các chứng mệnh môn hỏa suy yếu tay chân lạnh.

Cam thảo vị ngọt tính bình, vào 12 kinh lạc có tác dụng bổ tỳ, nhuận phế, ích tinh điều hòa các vị thuốc, làm tỳ vị mạnh lên để hấp thụ các vị thuốc khác, đồng thời dẫn thuốc vào địa chỉ cần điều trị.

Trên đây là giới thiệu tác dụng của từng vị thuốc, nhưng trong một bài thuốc Đông y ngoài ý nghĩa của quân thần tá sứ, việc phối hợp các vị thuốc để làm cho quân thần tá sứ mạnh lên là hết sức quan trọng.

                                     TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng

Theo Đời sống
back to top