15 ngày giãn cách tới, Hà Nội có thể áp dụng biện pháp cao hơn Chỉ thị 16

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “Tinh thần là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND của Thành phố quyết liệt, thực chất hơn; tiếp tục giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tiễn có thể thực hiện các giải pháp cao hơn mức Chỉ thị 16 của Thủ tướng”.

Chiều 6.8, Hà Nội tổ chức cuộc họp thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội thêm 15 ngày.

Hàng hóa đầy đủ, giá cả bình ổn

Về tình hình cung ứng hàng hoá trên địa bàn Thành phố, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan thông tin, khi thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND thành phố, Sở Công Thương đã chủ động các hệ thống phân phối để cung ứng hàng hoá gấp 3 lần thông thường; với 194 nghìn tỉ đồng cho việc dự trữ hàng hoá, các doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng ở các kho.

Sở Công Thương kích hoạt thêm 800 điểm bán hàng thiết yếu, đang phối hợp với Bưu điện Thành phố để mở thêm 472 điểm nữa và phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên để mở thêm các điểm bán hàng thiết yếu phục vụ người dân.

“Khẳng định một lần nữa, trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND Thành phố, việc cung ứng hàng hóa cho người dân đảm bảo đầy đủ, giá cả bình ổn, không để thiếu hàng, sốt hàng, không để người dân không mua sắm được hàng hóa thiết yếu”, bà Phương Lan nhấn mạnh.

Về việc một số chợ đầu mối và một số cửa hàng Vinmart có F0 nên phải đóng cửa để phòng, chống dịch, quyền Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở đã phối hợp với các địa phương để tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo cân đối cung cầu. Đối với chợ đầu mối phía Nam, lưu lượng hàng hóa qua chợ khoảng gần 300 tấn hàng/ngày, lượng rau củ quả chiếm 1/3, trái cây 2/3 và chủ yếu từ các tỉnh phía Nam ra, như vậy, lượng rau củ quả không lớn lắm nên chưa ảnh hưởng nhiều đến tình hình cung ứng của Hà Nội. Dự kiến, sang tuần, chợ đầu mối phía Nam sẽ hoạt động trở lại; còn chợ đầu mối Minh Khai đang triển khai phun khử khuẩn để nhanh chóng hoạt động trở lại.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội đang chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở NNPTNT tìm các điểm đất trống để giãn các chợ đầu mối hoặc nếu như các chợ đầu mối phải đóng cửa để phòng chống dịch.

Khẩn trương và đảm bảo an toàn tiêm chủng

Tại cuộc họp, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, liên quan đến công tác an sinh xã hội, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, triển khai công tác trên theo Nghị Quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Thành phố cũng đã triển khai hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn không thuộc đối tượng của Nghị quyết 68/NQ-CP. Nhiều địa phương còn có cơ chế riêng đối với các đối tượng, hộ gia đình khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng phát biểu trao đổi tại Hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng phát biểu trao đổi tại Hội nghị.

Về công tác tiêm vaccine, ông Chử Xuân Dũng cho biết, Hà Nội đã chỉ đạo tiêm khẩn trương nhưng phải đảm bảo an toàn. Đặc biệt, các đơn vị sử dụng phần mềm tiêm chủng và hướng dẫn người dân khai báo y tế trước nhằm tránh mất thời gian đi lại cũng như đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Nếu dừng việc giãn cách khó đảm bảo kết quả chống dịch đã có

Phân tích về quyết định tiếp tục giãn cách xã hội, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay, từ ngày 24.7 đến nay, sau gần 2 tuần, Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Tuy những mặt được là cơ bản, nhưng cũng có những khó khăn, phức tạp, đặc biệt là diễn biến dịch bệnh có nguy cơ rất cao, bởi Hà Nội là trung tâm cả nước, đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia nên thực tế Hà Nội không thể “đóng cứng”, vẫn có giao thương, vận chuyển hàng hóa.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận Hội nghị.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận Hội nghị.

Đặc biệt, dịch bệnh đã xâm nhập vào những nơi rất phức tạp, như: khu công nghiệp, chợ, siêu thị, bệnh viện, các khu dân cư đông người... Tiếp nữa, còn nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây. “Chính vì thế, nếu dừng việc giãn cách thì những thành quả, những kết quả đạt được trong thời gian giãn cách vừa qua khó mà đảm bảo được”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Hơn nữa, việc giãn cách là cần thiết để khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch. Trong giai đoạn này cũng là cần thiết để củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, giữ thế chủ động một cách toàn diện, trên tất cả các mặt công tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “Tinh thần là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND của Thành phố quyết liệt, thực chất hơn; tiếp tục giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tiễn có thể thực hiện các giải pháp cao hơn mức Chỉ thị 16 của Thủ tướng”.

Theo laodong.vn
back to top