12 triệu người ĐBSCL sẽ phải di cư?

(khoahocdoisong.vn) - Các nhà khoa học Hà Lan công bố phát hiện rằng ĐBSCL chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8m (so với mức 2,6m theo công bố hiện tại), đồng nghĩa với nguy cơ 12 triệu dân vùng đồng bằng này sẽ phải di cư trong 50 năm tới.

Các nhà khoa học Hà Lan công bố phát hiện rằng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8m (so với mức 2,6m theo công bố hiện tại), đồng nghĩa với nguy cơ 12 triệu dân vùng đồng bằng này sẽ phải di cư trong 50 năm tới.

Chỉ còn cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m

Dữ liệu mới nhất về tốc độ chìm của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được công bố trên Tạp chí khoa học Nature Communications ngày 28/8 bởi nhóm nghiên cứu của ĐH Utrecht (Hà Lan), dẫn đầu bởi nhà địa chất Philip Minderhoud. Sau quá trình nghiên cứu và đo đạc trên thực địa, học giả Minderhoud và các cộng sự phát hiện khu vực hạ nguồn sông Mekong - tức ĐBSCL - thực tế chỉ còn cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m, chênh lệch gần 2m so với các dữ liệu vệ tinh thường được trích dẫn (2,6m).

Với tốc độ chìm hiện nay, nước biển sẽ "xóa" khoảng cách 0,8m này trong 57 năm tới. Điều này đồng nghĩa số người dân chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng ở ĐBSCL tăng gấp đôi so với dự báo trước đó (nhóm khoa học Hà Lan ước tính 12 triệu người). Với đà này, không chỉ khu vực Mekong, các vùng châu thổ trên khắp thế giới cũng có nguy cơ chịu chung số phận.

GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho rằng công bố này là một thông tin cực kỳ đáng báo động, tuy nhiên nó tuân theo đúng các quy luật đang diễn ra ở ĐBSCL. Mực nước chỉ còn 0,8m tức là ở mức rất nguy hiểm, cần có các giải pháp ngay lập tức chứ không thể chần chừ được nữa. Về tính xác thực của công bố này, GS Vũ Trọng Hồng cho biết Hà Lan là một quốc gia rất quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói chung và hiện tượng nước biển dâng ở ĐBSCL nói riêng. Đã có nhiều khoản hỗ trợ cả về người, vật chất để tiến hành nghiên cứu thực trạng này, với những công nghệ tối ưu  nhất, nên có thể nói công bố này chắc chắn là có cơ sở khoa học vững chắc.

“Điều đáng lo ngại hiện nay là trong khi mực nước sông Mê Kong xuống rất thấp thì ĐBSCL lại gần như không còn bồi tích nữa. Nguyên nhân ở đây phần lớn là do con người với các hoạt động tác động mạnh mẽ vào thiên nhiên. Việc người dân ĐBSCL xây các đê quây để làm nhà ở khiến bùn, cát từ các nhánh sông đổ về không đi ra biển mà “quẩn” trong một vùng cố định. Trong khi nước biển thì dân cao mà bồi tích không có thì đương nhiên ĐBSCL sẽ sụt lún dần”, GS Vũ Trọng Hồng cho biết.

Xây dựng nhiều, tốc độ chìm nhanh hơn

GS Vũ Trọng Hồng cho biết, khác với cấu tạo đá của các bờ biển lục địa, các vùng châu thổ được hình thành từ lớp phù sa mềm tích tụ qua hàng ngàn năm, dễ nén và dễ chìm. Tình trạng sụt lún có thể diễn ra nhanh hơn khi các con đập trên thượng nguồn chặn dòng phù sa, hoặc khi nước ngầm, khí đốt... bị rút khỏi lòng đất. Việc xây dựng hạ tầng đô thị, đường sá... cũng làm giảm lượng nước thấm xuống lòng đất, khiến các túi nước nâng đỡ vùng đất không kịp phục hồi. Tất cả các yếu tố trên là những gì đã và đang diễn ra ở ĐBSCL trong vài chục năm qua. Một vài khu vực đồng bằng thậm chí đang chìm với tốc độ gần 5cm/năm - thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

“Ngày xưa, vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên là vùng chứa lũ. Sau này, do không có chính sách quy hoạch cụ thể, mạnh ai nấy làm, để người dân tự phát xây dựng nên hệ thống đê bao dần dần hình thành. Người dân lên đê bao để làm nhà ở quá nhiều, không có quy hoạch dẫn đến khi nước lũ tràn về theo kênh rạch đáng lẽ sẽ chảy ra biển thì nay bị ngăn lại. Mà nước bị ngăn lại thì sẽ không có phù sa. Đã đến lúc phải gấp gáp xây dựng chiến lược phát triển ĐBSCL, làm thế nào để làm chậm lại quá trình “chìm dần dần”, có các chính sách hỗ trợ người dân để thực hiện quy hoạch lại một cách bài bản”, GS Vũ Trọng Hồng cho biết.

Về nguy cơ phải di cư 12 triệu dân ĐBSCL trong vòng 50 năm tới, theo GS Vũ Trọng Hồng là vấn đề rất gần, thậm chí với tốc độ xây dựng như hiện nay thì khoảng thời gian này còn ngắn hơn nữa. 12 triệu người dân phải di cư là một con số khủng khiếp. Các nhà khoa học, nhà quản lý tới đây phải ngay lập tức cùng với các chuyên gia nước ngoài ngồi bàn thảo để thực hiện những công việc gấp rút, một phần ứng phó với biến đổi khí hậu, phần khác để khắc phục những hậu quả do chính con người gây nên.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top