100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy bị nghi bị “lừa đảo” như thế nào?

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều sang Italy nghi bị lừa đảo, khi ngân hàng tại Ý nói "chứng từ" nhận được chỉ toàn bản photocopy hoặc giấy trắng.

Tối 8/3, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) có văn bản hỏa tốc gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Ý, Thương vụ Việt Nam tại Ý đề nghị hỗ trợ tình huống "khẩn cấp".

Một số doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân sang Ý thông qua một công ty môi giới tại Việt Nam với số lượng gần 100 container, trị giá hàng trăm triệu USD nhưng không nhận được tiền thanh toán, có nguy cơ mất hàng.

Các lô hàng này được vận chuyển bởi các hãng tàu Cosco, Yangming, HMM, One,…đã và đang đến một số cảng của Ý.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp gửi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ của bên mua theo hướng dẫn, thì bị thay đổi số Swift (mã riêng của từng ngân hàng được sử dụng trong các giao dịch liên ngân hàng trên toàn cầu).

Ngân hàng bên mua nhận và kiểm tra chứng từ. Sau đó thông báo bên mua không phải khách hàng, và trả lại bộ chứng từ. Nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, dù phía ngân hàng Việt Nam đã nhiều lần liên hệ.

Để làm rõ vụ việc này, phóng viên TTXVN tại Ý đã có buổi làm việc với ngân hàng Banca di Credito Popolare tại Napoli, dưới sự giúp đỡ của Lãnh sự danh dự Việt Nam.

Đại diện phía Ngân hàng Banca Di Credito Popolare cho biết "hoàn toàn bất ngờ khi nhận được lần lượt 9 phong bì. Trong đó có 7 phong bì gửi trực tiếp từ các ngân hàng Việt Nam qua DHL (dịch vụ chuyển phát nhanh) và 2 phong bì từ một ngân hàng khác tại Italy".

Nhưng bên trong chỉ có các bản photocopy chứng từ hoặc chỉ có giấy trắng.

Phía ngân hàng Banca Di Credito Popolare cũng cho biết, vụ việc đã được cảnh báo tới toàn hệ thống ngân hàng Italy.

Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli đã làm đơn tố giác lừa đảo vụ 100 container hạt điều xuất sang Italy và gửi đến cảnh sát tại Napoli.

Ông Phạm Văn Hồng, phó chủ tịch Phòng Thương mại Ý - Việt Nam tại Torino, cho biết hình thức lừa đảo, bên mua thông qua sơ hở của phương thức thanh toán. Với trường hợp này là thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment D/P).

Nhờ thu trả tiền trao chứng từ là hình thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ, theo đó người nhập khẩu chỉ lấy được bộ chứng từ khi đã chuyển vào ngân hàng đủ số tiền thanh toán. Hình thức nhờ thu này được áp dụng trong trường hợp thanh toán trả ngay.

Như vậy, bản chất của phương thức D/P gần giống như mua hàng ship COD đang rất phát triển ở Việt Nam.

Người bán nhờ bên thứ 3 thu tiền trước khi giao hàng cho người mua, người mua muốn lấy được hàng phải thanh toán tiền cho bên thứ 3.

Sau khi thanh toán xong, người mua mới nhận được bộ chứng từ gốc từ Ngân hàng, sau đó đem bộ chứng từ này đến Hãng tàu mới nhận được hàng.

Điều khó hiểu ở đây là tại sao bộ chứng từ gốc lại mất? Còn ngân hàng tại Ý nói "chứng từ" nhận được chỉ toàn bản photocopy hoặc giấy trắng.

Từ vụ việc này, phó chủ tịch Phòng Thương mại Ý - Việt Nam tại Torino cho rằng quan trọng nhất các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam cần phải chọn phương thức thanh toán quốc tế hạn chế rủi ro

Theo Đời sống
back to top