10 vị thuốc quý trong toa căn bản

(khoahocdoisong.vn) -Trong thời kỳ kháng chiến, thuốc men và y dụng cụ phục vụ cho bà con rất thiếu, các thầy thuốc đã nghiên cứu tìm ra toa căn bản gồm 10 vị thuốc nam quý dễ trồng, dễ thu hái, bảo quản và chế biến, sử dụng rộng rãi trong các gia đình và trạm xá. Xin giới thiệu 10 vị thuốc trong toa căn bản.

Củ gừng: Gừng tươi Đông y gọi là sinh khương, gừng khô gọi là can khương.  Gừng tươi có vị cay, tính hơi nóng, đi vào 3 kinh phế, tì và vị. Tác dụng phát tán hàn, ôn trung tiêu đờm, giải độc. Dùng chữa những bệnh cảm mạo, phong hàn, trướng bụng, nôn mửa và giải độc.

Gừng khô tính rất nóng, vị cay vào sáu kinh: tâm, phế, tì, vị, thận và đại tràng, chữa thổ tả, đau bụng, đi lỏng, ho khan. Gừng chữa các chứng ăn uống không tiêu, cảm mạo, ho mất tiếng. Liều dùng từ 3-6g dưới dạng sắc uống hay đánh gió, ngâm rượu uống hay xoa bóp toàn thân. Ngoài xoa bóp toàn thân, gừng còn có thể chế biến thành mứt gừng, rượu bia có men gừng…

Rau má: Còn gọi là tích huyết thảo. Rau má tươi có vị đắng ngọt, mùi hăng, khi khô dễ uống hơn, thu hái quanh năm, dùng tươi uống hay phơi khô sao vàng đều được. Rau má dùng để nấu cháo, nấu canh hay ép làm nước giải nhiệt, chữa rôm sẩy mụn nhọt, nhiệt miệng lưỡi, nóng trong. Rau má còn dùng chữa đau bụng, hành kinh ở phụ nữ. Hái rau lúc ra hoa, phơi khô tán nhỏ ngày uống một lần vào buổi sáng.

Chữa đau bụng đi ngoài, rau má rửa sạch ăn sống chấm muối ngày 30g hoặc luộc lên ăn như rau các loại. Rau má là vị thuốc mát, hơi đắng, tính bình, không độc, có tác dụng giải độc, lợi tiểu, dùng chữa bệnh khí hư bạch đới, thổ tả, lợi sữa. Rau má không độc nên phụ nữ có thai vẫn dùng được.

Rau mơ: Còn gọi là mơ lông hay mơ tam thể có tác dụng chữa lỵ trực tràng. Cách dùng: Lá mơ tam thể 30-40g rửa sạch, thái nhỏ, trộn với trứng gà đem áp chảo (rán không mỡ) hay bọc vào lá chuối nướng chín ăn ngày 2 lần trong 7 ngày. 

Cỏ nhọ nồi: Còn gọi là cỏ mực có vị ngọt, chua, vào 2 kinh chính là can và thận, tác dụng bổ thận âm, cầm máu, làm đen râu tóc. Lấy lá nhọ nồi già đắp vào thóp cho trẻ chữa sốt cao, giã ra vắt lấy nước uống chữa rong kinh, rong huyết, trĩ ra máu. Cỏ nhọ nồi xoa lên chỗ bỏng rát do vôi, ngoài ra còn dùng để nhuộm tóc.

Cam thảo Nam: Còn gọi là dã cam thảo. Lá cam thảo vị ngọt, thu hái quanh năm, dễ uống. Lá cam thảo có tác dụng thay cam thảo Bắc chữa hạ sốt, giải độc cơ thể, dùng chữa người hay bị say sắn. Liều dùng: Tùy theo từng trường hợp 50-100g có thể sắc uống hay kết hợp với một số vị thuốc khác.

Cỏ mần trầu: Còn gọi là cỏ chỉ tía tác dụng chữa bệnh sốt nóng, sốt rét, làm cho ra mồ hôi, hạ huyết áp, chữa đau đầu, choáng váng, bốc hỏa từng cơn. Lấy 500g cả rễ cây mần trầu rửa sạch, chặt ngắn, giã nát cho vào đun sôi để nguội uống. Trước khi uống lọc bỏ bã, uống ngày 2 lần.

Trần bì: Còn gọi là vỏ quýt có vị cay, đắng, tính ôn, vào hai kinh tì và phế. Trần bì là vị thuốc chữa ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, nôn mửa, sốt rét, ăn kém, ho có đờm. Dùng 4-10g sắc uống, có thể dùng riêng hay kết hợp với một số vị khác.

Nước quýt có tác dụng giải khát, tăng cường và bồi bổ sức khỏe. Lá quýt hơ nóng đắp vào bụng chữa đau bụng do lạnh, chữa đau vú do tắc tia sữa.

Rễ cỏ gianh: Còn gọi là bạch mao căn, có vị ngọt, tính ôn, vào các kinh chính là tỳ và vị, tâm, có tác dụng tiêu ứ huyết, thanh nhiệt, nóng tiểu tiện, dùng chữa những bệnh âm hư nội nhiệt, tiểu tiện ít, xẻn. Nôn ra máu, chảy máu cam, ngoài ra còn chữa hạ sốt, chảy máu mũi, giải độc cho cơ thể.

Liều dùng 10-30g sắc uống trong ngày. Có thể dùng 1 vị hay kết hợp với một số vị khác.

Ké đầu ngựa: Còn gọi là thương nhĩ tử, có vị ngọt, tính ôn, hơi độc, vào kinh phế, có tác dụng làm cho ra mồ hôi, tán phong. Dùng chữa bệnh phong hàn, đau ngực, đau nhức, phong thấp, tê dại, mờ mắt, chân tay co giật. Ké còn chữa đau răng bằng cách sắc nước ké lên, súc miệng hàng ngày. Ké chữa chảy nước mũi bằng cách sao vàng tán bột, ngày 4-8g uống với nước sôi để nguội.

Củ sả: Còn có tệ là sả chanh. Củ sả có tác dụng thông tiểu tiện, ra mồ hôi, chữa cảm sốt. Ngày 10-15 củ đun sôi xông hay uống càng tốt.

BS Đức Quang (Vĩnh Hồ, Hà Nội)

Theo Đời sống
back to top