10 bác sĩ hiến máu cứu sống bệnh nhân đờ tử cung

(khoahocdoisong.vn) - Trước tình trạng bệnh nhân sau sinh bị rối loạn đông máu, đờ tử cung chảy máu ồ ạt dẫn tới sốc mất máu... 10 y bác sĩ đã phải hiến máu tại chỗ cùng kíp cấp cứu phẫu thuật mới cứu sống được bệnh nhân.

Truyền gần gấp đôi lượng máu trong cơ thể bệnh nhân

Trần Thị T.(37 tuổi, Cô Tô, Quảng Ninh) đến khoa Sản đẻ, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh ngày 02/11/2018 trong tình trạng thai lần 3, đẻ thường 2 lần, có u xơ tử cung, dự kiến sinh ngày 12/11/2018, thai 38 tuần 4 ngày ở nhà đau bụng cơn, vào viện kiểm tra...Kết quả khám lâm sàng, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cho thấy: Sản phụ có cơn co tử cung thưa, cổ tử cung mở 3cm, thai ngôi đầu, ối vỡ hoàn toàn, nước ối trong… Sau hội chẩn bác sĩ quyết định chỉ định đẻ chỉ huy + thuốc mềm tử cung cho bệnh nhân.

Sau khi sinh con nặng 3,9kg, sản phụ được đưa về phòng bệnh theo dõi thì xuất hiện tình trạng tử cung co kém, chảy máu; được xử trí tăng co, cầm máu tích cực nhưng không đáp ứng, kết quả xét nghiệm đông máu cho thấy sản phụ bị rối loạn đông máu… Qua hội chẩn chuyển khoa chẩn đoán sản phụ bị sốc mất máu do đờ tử cung sau sinh thường và chỉ định phẫu thuật cắt tử cung bán phần kèm truyền máu, truyền đạm, kháng sinh ngay để giữ tính mạng cho sản phụ.

Tình hình hết sức nguy kịch, nếu không phẫu thuật cấp cứu cầm máu và truyền máu kịp thời nguy cơ tử sản phụ tử vong rất cao. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển phòng mổ, đồng thời dự trù khối hồng cầu nhóm B, máu tươi toàn phần cùng các phương tiện sẵn sàng cấp cứu. Dù đã có máu chuẩn bị nhưng do bệnh nhân mất máu quá nhiều nên kíp trực gồm 10 Bác sĩ, kỹ thuật viên: BS Đinh Thị Lan Oanh; BS Lê Cảnh Nhật; BS Nguyễn Thu Hà; BS Nguyễn Thế Tài; BS Hà Ngọc Đạt; BS Vũ Thị Thanh Ngọc; BS Trương Văn Thế; ĐD Đỗ Đức Mạnh; Nguyễn Thị Trang; Nguyễn Thị Ngà … đã hiến máu trực tiếp giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

TTƯT.BS Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc bệnh viện cho biết, người lớn trung bình có khoảng 4,5-5,5 lít máu nhưng ở bệnh nhân T. do mất quá nhiều máu nên đã được truyền tổng cộng 30 đơn vị máu tương đương  8 lít máu, gồm 13 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh, 3 đơn vị khối tiểu cầu, 19 khối hồng cầu, 2 đơn vị máu toàn phần. Đặc biệt, cả phẫu thuật chỉ mất 1 giờ nhưng kíp trực cả bệnh viện đã phải thức trắng đêm để tiến hành hồi sức cấp cứu. Rất may sau cắt tử cung tình trạng chảy máu của bệnh nhân đã được khống chế, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi tại khoa hồi sức.

Nỗi ám ảnh của bác sĩ sản khoa

BS Hùng cho biết, băng huyết sau sinh (BHSS) là 1 trong 5 tai biến sản khoa thường gặp, chiếm tỉ lệ 2-10% tổng số ca sinh, trong đó BHSS chiếm 2/3 – 3/4 số ca tử vong. Đây là một tai biến đáng sợ  nhất gây tử vong hàng đầu đối với mẹ, là nỗi ám ảnh đối với các bác sĩ sản khoa. Băng huyết sau sinh được xác định khi sản phụ bị chảy máu âm đạo quá 500 ml sau sinh (được tính bằng túi đo máu). Có nhiều nguyên nhân gây băng huyết sau sinh như: đờ tử cung, rối loạn đông máu làm máu chảy không cầm được và những bất thường về bánh nhau, ối... Ở sản phụ T có cả hai nguy cơ nặng: đờ tử cung và rối loạn đông máu.

 BS Nguyễn Thúy Hà, phó khoa khám bệnh giải thích, đờ tử cung là một tình trạng nghiêm trọng có thể xảy ra sau sinh. Đờ tử cung xảy ra khi tử cung không thể co hồi sau khi sinh gây băng huyết ồ ạt sau sinh, có thể gây nguy hiểm hiểm đến tính mạng người mẹ nếu không được cấp cứu kịp thời. Bình thường sau khi sinh, cơ tử cung thường thắt chặt hoặc co lại để bong rau.

Sự co hồi này giúp siết chặt các mạch máu gắn với bánh rau và giúp ngăn chảy máu. Nếu cơ tử cung không co đủ mạnh, máu vẫn tiếp tục chảy tự do dẫn đến băng huyết, mất máu quá nhiều. Bệnh nhân sẽ bị: Tụt huyết áp gây choáng hoặc ngất; Tăng nhịp tim; Đau tử cung, vùng bụng, vùng lưng; thiếu máu, mệt mỏi li bì và nguy hiểm nhất là sốc mất máu. 

Các chuyên gia cho biết, đờ tử cung gây ra hơn 90% số trường hợp chảy máu sau sinh nhưng không phải mọi trường hợp đờ tử cung đều có thể dự phòng được.

Do vậy, điều quan trọng là bác sĩ chú ý kiểm soát vấn đề này ở mọi giai đoạn chuyển dạ. Sản phụ có nguy cơ đờ tử cung cao nên chọn sinh con tại bệnh viện hoặc những trung tâm có đầy đủ trang thiết bị để được cấp cứu kịp thời nếu đờ tử cung xảy ra, tránh được tử vong cho sản phụ.
 

Theo Đời sống
Xước da bệnh nhân 52 tuổi nguy kịch vì uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Cứu bệnh nhân 52 tuổi bị uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Người dân không nên chủ quan với bệnh uốn ván, khi gặp các vết thương cần phải chủ động tiêm ngừa. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh những diễn biến nguy hiểm.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top