1 triệu ô tô ngốn điện bằng cả TP Hà Nội

(khoahocdoisong.vn) - Để xe ô tô điện có thể vận hành trong điều kiện giao thông thực tế, bài toán công nghệ trạm sạc và cổng sạc cần phải được giải quyết. Theo các chuyên gia, đây là bài toán nan giải nhất của xe điện.
Trạm sạc xe điện của Tesla.

Trạm sạc xe điện của Tesla.

Công nghệ pin và trạm sạc khá phức tạp

KS Lê Hữu Chúc, Trung tâm Đào tạo ô tô EAC, hiện là giảng viên Khoa Công nghệ ô tô ở một trường đại học ở Hà Nội cho biết, trong phát triển ô tô điện, điều nan giải nhất hiện nay là trạm sạc và cổng sạc, các tiêu chuẩn về chân sạc. Hiện chưa có tiêu chuẩn chung về chân sạc, trong khi chi phí đầu tư trạm sạc rất tốn kém. Xe ô tô điện hiện có giá thành vừa phải, hình thức đẹp, khả năng di chuyển phù hợp với đa số người tiêu dùng. Nhưng thách thức lớn với công nghiệp xe ô tô điện không phải là giá thành hay quãng đường có thể di chuyển, mà chính là công nghệ xây dựng các trạm sạc.

Hiện nay, lưới điện của chúng ta đa phần là 110V hay 220V, nhưng pin của xe không thể dùng trực tiếp điện xoay chiều. Giống như pin của điện thoại hay máy tính, pin của ô tô điện cần phải đi qua một bộ chuyển đổi từ dòng điện xoay chiều thành dòng điện 1 chiều (gọi là converter). Để tiết kiệm thì các trạm sạc nên trang bị bộ chuyển đổi này thi vì xe nào cũng phải có cục sạc riêng. Nhưng nếu xe không có cục sạc chuyển đổi dòng diện thì lại không thể sạc pin tại nhà.

Ngoài ra, nguồn điện sạc của ô tô điện rất lớn, gấp hàng chục nghìn lần chiếc sạc điện thoại, do vậy bộ chuyển đổi dòng từ xoay chiều thành một chiều cũng phải mạnh hơn thì mới sạc nhanh được. Hiện ngay trên chiếc Tesla Model 3 có một bộ đổi điện, nó sẽ biến dòng điện xoay chiều từ ổ cắm điện trong nhà thành dòng điện một chiều tương thích với pin trên xe. Ở công suất hoạt động lớn nhất, bộ đổi điện này có thể sạc đầy cho xe trong khoảng 10 tiếng.

Nhưng khi đang di chuyển mà hết điện thì cần đến các trạm sạc nhanh. Những trạm sạc này có bộ đổi điện kích thước lớn, dòng điện đưa ra cũng lớn hơn nhiều so với bộ trong xe. Khi bạn sạc điện ở những trạm này, nó sẽ bỏ qua bộ đổi điện trong xe và sạc pin thẳng luôn do dòng điện đưa vào đã là dòng một chiều rồi. Vấn đề là mỗi trạm sạc nhanh như trên có giá lên tới 40.000 - 50.000USD, chưa kể công lắp đặt, bảo trì bảo dưỡng.

KS Lê Hữu Chúc cho biết thêm, mỗi hãng sẽ có một chuẩn của đầu sạc khác nhau, trừ khi các trạm sạc pin có trang bị bộ chuyển đổi đa năng. Do vậy, để sử dụng chung trạm sạc, các hãng phải thống nhất về chuẩn đầu sạc. Để khắc phục điều này, Ủy ban châu Âu ban hành luật quy định rằng mọi trạm sạc đều phải hỗ trợ cổng CCS (loại cổng sạc đa năng). Theo thông tin giới thiệu thì ô tô điện của VinFast sẽ dùng cổng sạc theo chuẩn châu Âu, tức là sử dụng cổng CCS.

Thách thức lớn từ truyền tải điện

KS Lê Hữu Chúc cho hay, bài toán truyền tải điện cũng là thách thức lớn phải giải quyết khi phát triển xe điện. Theo một tính toán sơ bộ do KS Lê Hữu Chúc thực hiện thì nếu Hà Nội có 1 triệu xe ô tô điện, lượng điện năng cung cấp sẽ phải tăng gấp đôi hiện nay. Nghĩa là điện năng dùng để vận hành 1 triệu chiếc ô tô điện tương ứng với tổng số điện năng Hà Nội đang sử dụng hiện nay. Bài toán được dựa trên các tham số giả thiết về những chiếc xe điện đầu tiên chuẩn bị ra mắt thị trường vào cuối năm nay, cùng với lượng điện mà toàn TP Hà Nội đang sử dụng. Khi phát triển xe ô tô điện đến mức đó, hệ thống dây truyền tải điện cũng phải được thay thế bởi lượng điện tiêu thụ sẽ lớn gấp đôi. Vào những thời điểm như buổi tối, khi nhiều xe sạc cùng lúc, đường dây truyền tải điện sẽ phải đảm bảo tiêu chuẩn thế nào để không gây ra sự cố là bài toán phải tính đến.

Sự tiện lợi, giá rẻ, bảo vệ môi trường sống… khiến xu hướng sử dụng xe điện sẽ ngày càng tăng trong tương lai. Song song với đó cũng cần có những chính sách khuyến khích phù hợp. Tại Đức, chính phủ thậm chí còn có một mạng lưới trạm sạc riêng, đồng thời cung cấp nhiều gói ưu đãi cho các doanh nghiệp để họ xây dựng trạm sạc theo chuẩn chung. Chính phủ Đức cũng sắp yêu cầu các trạm xăng phải lắp thêm trạm sạc dành cho ô tô điện.

Người dân sẽ không mua ô tô điện nếu hãng sản xuất không thống nhất được chuẩn sạc cho xe, không trang bị các trạm sạc liên tục, dày đặc, tiện lợi cho quá trình di chuyển. Thế nên chính sách hỗ trợ nên dành cho việc xây dựng, phát triển mạng lưới trạm sạc chứ không cần phải giảm giá cho xe, vì xe điện hiện tại đã rẻ và tầm hoạt động cũng đã đủ xa.

Theo Đời sống
back to top